Trang chủ Tin tức Cocktails âm nhạc Bài hát của Miley Cyrus và Dolly Parton bị cấm

Bài hát của Miley Cyrus và Dolly Parton bị cấm

Thảo

Có vẻ như lý do ca khúc “Rainbowland” bị cấm không phải do tên tuổi hai nữ nghệ sĩ thể hiện hay nội dung ca từ mà là vì tựa đề bài hát có chữ “cầu vồng”. 

 

Những ngày qua, công chúng đang dành sự quan tâm đến việc ca khúc “Rainbowland” của Miley Cyrus kết hợp cùng Dolly Parton phát hành năm 2017 bị cấm tại trường tiểu học tại bang Wisconsin. Câu chuyện được một giáo viên trong trường kể lại qua những dòng tweet trên trang mạng xã hội cá nhân và khiến mọi người đều cảm thấy khó hiểu. Để chuẩn bị cho buổi hoà nhạc mùa xuân sắp tới, Melissa Tempel – một giáo viên song ngữ tại trường tiểu học Heyer đã chọn ra những bài hát để các học sinh luyện tập. Với chủ đề về sự thống nhất và hòa bình của thế giới, các ca khúc được chọn bao gồm bài nhạc tiếng Tây Ban Nha “It’s a Small World”, “Here Comes the Sun” – The Beatles, “Rainbowland” – Miley Cyrus & Dolly Parton. 

 

Nhưng khi các học sinh chỉ mới luyện tập bài hát “Rainbowland” được một ngày, ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên xoá ca khúc này khỏi buổi hoà nhạc. Trong một thông báo, học khu tiết lộ nguyên nhân là do bài hát “có thể gây tranh cãi”. Theo chính sách của khu học chánh Waukesha, bang Wisconsin, “vấn đề gây tranh cãi” được định nghĩa là vấn đề “có thể là chủ đề tranh luận gay gắt của công chúng” hoặc có thể có “tác động chính trị, xã hội hoặc cá nhân và/ hoặc cộng đồng” cùng một số tiêu chí khác. 

 

Miley Cyrus và Dolly Parton
Bài hát “Rainbowland” của Miley Cyrus và Dolly Parton bị cấm tại một trường tiểu học ở Mỹ với nguyên nhân được cho là có tựa đề nhắc đến cầu vồng.

Trong bài phỏng vấn với NME vào năm 2017, Miley Cyrus từng cho biết một số ca từ trong bài hát “Rainbowland” có hàm ý nhắc đến “các chủng tộc, giới tính và tôn giáo khác nhau”. Về phía Dolly Parton, nữ nghệ sĩ gạo cội chia sẻ: “Ca khúc nói về việc nếu chúng ta có thể yêu thương nhau hơn một chút hoặc tử tế hơn một chút, ngọt ngào hơn một chút, thì chúng ta có thể sống ở vùng đất cầu vồng”. Melissa Tempel cũng thấy rằng đây chỉ là một ca khúc về tình yêu, sự chấp nhận và luôn là chính mình: “Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì liên quan đến chính trị trong đó”. 

 

Ngoài ra, nữ giáo viên cho biết các quan chức khu học chánh tại Mỹ đã cố gắng loại bỏ mọi thứ dính dáng đến hình ảnh cầu vồng trong trường học. Do đó, cô lo lắng rằng lệnh cấm ca khúc “Rainbowland” gắn liền với những nỗ lực có quy mô lớn hơn nhằm hạn chế việc thảo luận về chủ đề LGBTQ trong môi trường giáo dục. Ở bang Florida, thậm chí đã có một đạo luật được đưa ra để cấm các giáo viên trò chuyện về giới tính và bản dạng giới với học sinh từ mẫu giáo đến lớp ba. Đầu năm nay các khu học chánh ở các bang Delaware, Ohio, Wisconsin đã cấm giáo viên treo cờ lục sắc, cùng lúc đó các khu học chánh ở Texas, Louisiana, Michigan đã phải đối mặt với lệnh cấm sách có các nhân vật hoặc chủ đề LGBTQ. 

 

Sau khi “Rainbowland” bị cấm, Melissa Tempel quyết định thay thế bằng ca khúc “Rainbow Connection” trong series phim “Muppet” đình đám với nội dung về niềm hy vọng và sự cố gắng đạt được ước mơ của một người. Ban đầu, bài hát này cũng bị loại khỏi danh sách biểu diễn cho đến khi các phụ huynh gửi email yêu cầu nhà trường gỡ bỏ lệnh cấm. Riêng về Miley Cyrus và Dolly Parton, cả hai nữ nghệ sĩ đều chưa lên tiếng phản hồi về việc bản song ca đầy ý nghĩa bị cấm tại một trường tiểu học vì “gây tranh cãi”.