Thời gian gần đây, các sản phẩm được đánh giá cao và được vinh danh không còn gói gọn lại chỉ trong các tác phẩm bằng tiếng Anh nữa. Góp phần vào sự đa dạng hoá ngôn ngữ này không thế không kể đến nhóm nhạc BTS, nữ ca sĩ Rosalía, đạo diễn Bong Joon Ho và nhiều nghệ sĩ khác trên toàn thế giới.
Nhìn quanh một vòng thế giới giải trí, nhiều người sẽ dễ dàng nhận ra rằng lĩnh vực này đang ngày càng được sử dụng đa dạng bằng nhiều ngôn ngữ, không còn được thống trị độc quyền bởi tiếng Anh nữa.
Theo kết quả xếp hạng tuần này của Billboard 200, album “Map Of The Soul: 7” của nhóm BTS đã chính thức trở thành sản phẩm âm nhạc thứ 10 được thể hiện bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh giành được No.1 trong lịch sử BXH này. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, đã xuất hiện tới 6 trên tổng số 10 sản phẩm đạt được thành tích này, trong đó bao gồm 4 album của BTS, mini album đầu tay của nhóm Super M và album “Sì” của ca sĩ opera người Ý Andrea Bocelli.

Bên cạnh đó, ca khúc chủ đề “ON” của album “Map Of The Soul: 7” còn là ca khúc thứ 20 không thuộc tiếng Anh vào được top 10 của BXH Billboard Hot 100. Trong những năm thập niên 2010s, có 7 ca khúc không phải tiếng Anh đạt được thành tích này, đây cũng là thập kỉ có số ca khúc tiếng nước ngoài trong top 10 nhiều nhất. Trước đó, điều này chỉ phổ biến vào những năm ’60s với 5 ca khúc trong cả một thập kỉ.
Ngoài những điều có thể dễ dàng thấy được trên các BXH của Billboard trong thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ sử dụng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh cũng đã có những thành tích đáng kể tại các lễ trao giải danh giá trên thế giới.
Khi danh sách đề cử chính thức của Grammy lần thứ 62 được công bố vào ngày 20/11/2019, nữ ca sĩ Rosalía đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên trở thành một trong những ứng cử viên cho giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất với một album tiếng nước ngoài (không phải tiếng Anh). Tuy không chiến thắng tại hạng mục trên, album “El Mal Querer” bằng tiếng Tây Ban Nha của cô vẫn được vinh danh tại giải Album rock, urdan hoặc alternative La-tinh xuất sắc nhất. Rosalía cũng là nghệ sĩ duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đã từng được đề cử cho hạng mục Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất tại Grammy của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia của Mỹ lẫn Grammy La-tinh.

Tại lễ trao giải Grammy năm 2016, ca khúc “Despacito” của bộ đôi Luis Fonsi ca sĩ Daddy Yankee đã trở thành bản hit tiếng nước ngoài thứ ba nhận được đề cử cho ca hai hạng mục Thu âm của năm và Ca khúc của năm. Trước đó, chỉ có hai ca khúc đạt được thành tích tương tự là “Nel Blu Dipinto Di Blu (Volare)” của ca sĩ người Ý Domenico Modugno vào năm 1958 và bản hát lại bằng tiếng Tây Ban Nha của “La Bamba” bởi ban nhạc Los Lobos vào năm 1987.
MV “Despacito” – Luis Fonsi, Daddy Yankee..
Mới đây, đạo diễn Bong Joon Ho của bom tấn “Parasite” đã thắng 3 giải Oscar cho riêng mình với vị trí đồng sản xuất, đồng biên kịch và đạo diễn chính cho bộ phim. Đây là năm thứ hai liên tiếp giải thưởng về đạo diễn thuộc về một phim tiếng nước ngoài, trước đó là đạo diễn Alfonsso Cuarón người Mexico cho phim “Roma”. Bên cạnh đó, tại lễ trao giải của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh (SAG) vào ngày 19/1, “Parasite” cũng là phim đầu tiên không sử dụng tiếng chiến thắng ở hạng mục Diễn xuất nổi bật của dàn diễn viên trong phim điện ảnh.

Với thị trường ngày càng được mở rộng của K-pop và nhạc La-tinh, tương lai của ngành giải trí thế giới hứa hẹn sẽ còn đón nhận nhiều thành tích đáng kể hơn nữa từ các nghệ sĩ nước ngoài cùng những sản phẩm không sử dụng tiếng Anh. Từ đó, rào cản ngôn ngữ trong các lĩnh vực giải trí – nghệ thuật sẽ dần biến mất và tạo điều kiện cho nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới có thể tự tin thể hiện tài năng của mình bằng chính ngôn ngữ mình đang sử dụng.