Trang chủ Tin tức Cocktails âm nhạc John Lennon và Yoko Ono: Mỗi bài hát là một đoạn chuyện...

John Lennon và Yoko Ono: Mỗi bài hát là một đoạn chuyện tình

My Bùi

Có lẽ trong giới nghệ sĩ, hiếm có ai “chung tình” như tên tuổi huyền thoại John Lennon. John Lennon và Yoko Ono, họ tìm thấy nhau, hoàn thiện nhau và cùng nhau thăng hoa trong âm nhạc, dù con đường tình yêu không phải lúc nào cũng trải hoa hồng.

 

John Lennon đã từng trả lời phỏng vấn tờ Rolling Stone vào năm 1971 rằng: “Tôi sẽ không bao giờ hy sinh tình yêu chân thật để đánh đổi lấy bất kì điều gì. Tôi đã trải qua rất nhiều chuyện trong cuộc sống, và chắc chắn rằng, không có điều gì tuyệt vời hơn việc có ai đó luôn bên cạnh và đồng hành cùng bạn đâu“. Nếu nghe những lời chia sẻ trên, ít ai biết được rằng chỉ cách thời điểm đó khoảng 2 năm, quan điểm của John Lennon về phụ nữ hoàn toàn khác với những gì ông đã nói với báo chí, có thể nói đây là sự quay ngoắt 180 độ trong suy nghĩ của huyền thoại âm nhạc này.

 

Đầu những năm 1970, John Lennon vẫn luôn một mình và đang chìm đắm trong căng thẳng với cuộc hôn nhân cùng người vợ đầu tiên Cynthia Powell. Chưa kể đến quá khứ bị bạo hành cũng ảnh hưởng rất nhiều đến quan điểm của nam ca sĩ về hạnh phúc gia đình. Khi nghệ sĩ Yoko Ono bước vào cuộc đời anh, những thiếu thốn tình cảm của John đã được người phụ nữ này bù đắp. Và cũng chính bởi vậy, Yoko này trở thành một phần không thể thiếu trong John.

 

John Lennon và Yoko Ono, họ tìm đến nhau để cùng nhau thăng hoa trong cả cuộc sống lẫn nghệ thuật

Ngày 20/3 vừa qua chính thức đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày cưới của cặp đôi. Họ gặp nhau lần đầu tiên khi John tham dự buổi triển lãm nghệ thuật sắp đặt của Yoko tại London. Bà đã chia sẻ: “Ngay từ ánh mắt đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút bởi anh ấy. Đó là một cảm xúc rất kì lạ“. Và rồi, họ đã bắt đầu mối quan hệ thân thiết trên mức tình bạn, dù khi đó nam ca sĩ vẫn đang trong cuộc hôn nhân với người vợ trước. Yoko Ono nói rằng trước khi gặp John, bà không biết gì về nhóm The Beatles. Và mặc cho John Lennon khi đó đang là người của công chúng, cặp đôi vẫn bất chấp đến với nhau và nhanh chóng đắm chìm trong tình yêu.

 

Công chúng không dành nhiều thiện cảm cho cô dâu mới của John Lennon, bởi nhiều lý do cộng hưởng. Đầu tiên là do sự phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính còn đang rất nặng nề vào thời kì đó, ngoài ra, Yoko cũng bị coi là kẻ thứ ba phá hoại cuộc hôn nhân đầu tiên của John. Vậy nhưng tình yêu đã chiến thắng tất cả. Trong khoảng 10 năm chung sống cùng John cho tới tận khi nam ca sĩ bị ám sát, Yoko không chỉ là nguồn cảm hứng âm nhạc của ông, mà còn là người cố vấn cho mọi kế hoạch của John.

 

Cả trong nghệ thuật và trong cuộc sống, John Lennon và Yoko Ono đều hỗ trợ nhau để đạt được những bước tiến mới. Album solo đầu tay của John Lennon ra mắt cùng với Yoko Ono và ban nhạc Plastic Ono Band có thể phản ánh rõ sự ảnh hưởng của Yoko tới John Lennon. Những ca khúc trong album khắc họa một John Lennon rất thật, đồng thời thể hiện được những khát khao và bất an sâu sắc trong lòng ông. Mối quan hệ tưởng như không thể chia cắt này đã có 18 tháng chia xa, bởi John Lennon đã phải lòng trợ lý riêng của Yoko Ono, cô gái mang tên May Pang. Năm 1973, John và May đã chạy trốn cùng nhau với lời chúc phúc của Yoko Ono. Thế nhưng cuối cùng John vẫn quay về với Yoko. Cặp đôi chào đón con trai đầu lòng, Sean Ono Lennon vào năm 1975. Cả hai vẫn sống hạnh phúc bên nhau cho đến khi John Lennon bị ám sát vào năm 1980.

 

Có thể nói, mọi thăng trầm của mối tình này đều được cả John Lennon và Yoko Ono đưa vào các tác phẩm của mình. Từng bước đi, từng dấu ấn quan trọng của cuộc hôn nhân đình đám có thể dùng các ca khúc khắc họa một cách rõ ràng nhất, trải dài theo dòng thời gian.

 

John Lennon và Yoko Ono ngoại tình trong khi vợ trước của John đang đi nghỉ

 

Ca khúc điển hình: “Two Virgins” (phiên bản năm 1968 và năm 1971).

 

Ca khúc “Two Virgins (Side One)” – John Lennon & Yoko Ono.

 

Câu chuyện tình của John và Yoko bắt đầu ra sao được kể khá chi tiết trong hai phiên bản của ca khúc “Two Virgins”. Cặp đôi đã gặp nhau tại một cuộc triển lãm nghệ thuật mang tên “Những tác phẩm và bức tranh chưa hoàn thành” tại London. John khi đó hoàn toàn chỉ chú tâm vào một tác phẩm duy nhất, một chiếc thang dẫn đến một kính lúp đang phóng to chữ “Có”. Đây chính là tác phẩm của Yoko và John đã nói rằng lúc đó ông thực sự bị ấn tượng chỉ bởi một chữ “Có”.

 

Thành viên khác của The Beatles, Paul McCartney từng cho biết khi đó, Yoko Ono đang tìm một bài hát cho dự án sách mà bà sắp làm việc cùng nhà soạn nhạc John Cage. Và chính John Lennon đã đưa ra một gợi ý tuyệt vời là ca khúc “The Word” trong album Rubber Soul của The Beatles. Ca khúc này cũng đã giúp kéo gần khoảng cách giữa hai người.

 

Cặp đôi cùng viết nhạc và thực hiện những chiến dịch ủng hộ hòa bình

 

Những ca khúc điển hình: “The Ballad of John and Yoko” – The Beatles (1969), “Give Peace a Chance” – John Lennon (1969).

 

MV “Give Peace A Chance” – Plastic Ono Band.

 

Đám cưới của John Lennon và Yoko Ono thu hút sự chú ý lớn của công chúng. Sau hôn lễ được tổ chức ở Gibraltar, Anh, họ tiếp tục tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông với hàng loạt hoạt động “ồn ào” khác trong tuần trăng mật như chiến dịch “Nằm vì hòa bình” nổi tiếng tại khách sạn Hilton, Amsterdam.

 

Chiến dịch “Nằm vì hòa bình” tiếp tục được cặp đôi thực hiện tại Montreal, Canada. Được biết, họ đã mời rất nhiều nhà báo và các nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ như Timothy Leary, Allen Ginsberg và Murray the K đến tham dự chiến dịch này. Tại đây, cặp đôi đã sáng tác nên ca khúc “Give Peace a Chance”, một ca khúc phản đối chiến tranh và nêu cao giá trị của hòa bình.

 

Vẫn chưa hài lòng với hiệu ứng truyền thông mà chiến dịch này mang lại, John Lennon đã mời Paul McCartney thu âm “The Ballad of John and Yoko”, một ca khúc lên án chiến tranh đầy mạnh mẽ.

 

 

“Yoko và tôi – Đây chính là hiện thực”

 

Các ca khúc điển hình: “John John (Let’s Hope for Peace)” – Plastic Ono Band (1969), “Who Has Seen the Wind?” – John Lennon và Yoko Ono (1969), “God” – John Lennon (1970).

 

Ca khúc “John John (Let’s Hope For Peace)” – John Lennon.

 

Sau nhiều trăn trở, cuối cùng John Lennon đã quyết định rời khỏi The Beatles. Tuy nhiên, ông vẫn nhận lời trình diễn tại lễ hội âm nhạc Toronto Rock and Roll Revival. Đây có thể coi là quyết định khá “bốc đồng” của John bởi khi đó, ông không có ai bên cạnh. Cái khó ló cái khôn, ông quyết định kết hợp Yoko Ono và những người bạn đồng hương như Eric Clapton, Klaus Voormanz và Alan White thành ban nhạc của riêng mình, mang tên Plastic Ono Band. Không kịp tổng duyệt, John Lennon chỉ tranh thủ thời gian tập với các thành viên trên máy bay trước khi bay đến Toronto trình diễn. May mắn là cả nhóm đã được hỗ trợ bởi nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng Little Richard. Các ca khúc biểu diễn trên sân khấu hôm đó là những bài hát cũ hoặc những bài hát nổi tiếng của The Beatles, vậy nhưng đã mang đến thành công bất ngờ. Buổi trình diễn này sau đó được ghi hình lại và phát hành thành album mang tên “Live Peace in Toronto 1969”. 2 ca khúc mới duy nhất trong buổi trình diễn chính là “John John (Let’s Hope For Peace)” và bản tình ca “Who Has Seen the Wind?”.

 

Không lâu sau đó, John Lennon cho ra mắt album solo đầu tiên của với ban nhạc Plastic Ono Band. Ca khúc “God” đã khiến khán giả thấy được tình yêu của John Lennon dành cho Yoko sâu đậm như thế nào. Ông khẳng định mình không tin tưởng vào chúa, “tôi chỉ tin tưởng vào tôi, vào Yoko và tôi”. John đã kết thúc bài hát đầy ngọt ngào: “Và đó chính là hiện thực của chúng tôi”. Có lẽ, đó chính là đức tin đến tận cuối đời của John Lennon.

 

John và Yoko lập thành ban nhạc và cho ra mắt sản phẩm riêng

 

Những ca khúc điển hình: “Mrs. Lennon” – Yoko Ono (1971), “Oh My Love” và “Oh Yoko!” – John Lennon (1971).

 

MV “Oh Yoko!” – John Lennon.

 

Đến năm 1971, Lennon phát hành ca khúc “Imagine”, đây có thể gọi là sản phẩm solo đầu tiên có sự đột phá về mặt thương mại của nam ca sĩ, và tiếp tục là một sản phẩm có hình dáng Yoko Ono trong đó. Đâu đó trong album John vừa ra mắt, người ta thấy được sự tôn sùng của John Lennon dành cho vợ mình qua ca khúc “Oh My Love” và “Oh Yoko!”. Nhưng họ cũng cảm nhận được sự dè dặt của một tâm hồn dễ tổn thương trước tình yêu, tâm hồn mang tên John Lennon.

 

Năm đó, Yoko Ono cũng cho ra mắt ca khúc “Mrs. Lennon” với ca từ thể hiện quan điểm của Yoko Ono về việc cô được truyền thông “quan tâm” như thế nào. Có thể nói, ca khúc này như cú đáp trả đầy mạnh mẽ của Yoko dành cho các phương tiện truyền thông về những chỉ trích trước đó cô nhận được.

 

Những tháng ngày chia xa

 

Những ca khúc điển hình: “Song for John” – Yoko Ono, “I Want My Love to Rest Tonight” – Yoko Ono (1973), “Aisumasen (I’m Sorry)” – John Lennon (1973).

 

Ca khúc “I Want My Love To Rest Tonight” – Yoko Ono.

 

Tình yêu không phải lúc nào cũng trải đầy hoa, và cũng như bao cặp đôi khác, Yoko và John đã có thời kì căng thẳng vào năm 1973, khi cả 2 chuyển đến căn hộ mới ở Dakota, Mỹ. Yoko đã từng nói với tờ The Telegraph rằng: “Chúng tôi khi đó đang hủy hoại sự nghiệp của nhau. Tôi bị nhiều người ghét bỏ và bản thân John cũng có thêm những người không ưa anh ấy, chỉ vì tôi“. Những áp lực tiêu cực và căng thẳng cứ chồng chất, khiến John Lennon trở nên thường xuyên bồn chồn, và có những hành xử thô lỗ.

 

John thường xuyên có hành vi ghen tuông quá đà. Vậy mà chính ông đã phản bội vợ mình ngay tại một bữa tiệc có Yoko tham dự. Nam ca sĩ trở nên sở hữu thái quá đến mức ông không dám để Yoko Ono đi vào nhà vệ sinh một mình.

 

Yoko cho rằng cả hai cần một khoảng thời gian tách nhau ra, và bà đã nghĩ ra “giải pháp” cho mối quan hệ của mình. Bà cho phép John bỏ trốn cùng người trợ lý riêng, cô gái 22 tuổi có tên May Pang. Ca khúc “I Want My Love to Rest Tonight” và “Song for John” được Yoko Ono sáng tác trong khoảng thời gian tranh chấp với May Pang tại tòa án tại Dakota.

 

Có lẽ John Lennon cũng nghĩ như Yoko Ono khi thấy rằng mối quan hệ này cần một khoảng nghỉ. Tuy nhiên, sau đó cặp đôi vẫn quay về với nhau. Bản ballad “Aisumasen (I’m Sorry)” được John viết trong album “Mind Games” ra mắt năm 1973, là lời cầu xin sự tha thứ đầy chân thành từ nam ca sĩ. Ông đã dùng tiếng Nhật để hát ca khúc này và mong rằng Yoko có thể hiểu được được tấm lòng của mình.

 

Quay lại từ đầu

 

Những ca khúc điển hình:  “Hard Times are Over”,  “Every Man Has a Woman Who Loves Him” – Yoko Ono (1980), “(Just Like) Starting Over”, “I’m Losing You”, “Dear Yoko”, “Woman” – John Lennon (1980).

 

MV “Starting Over” – John Lennon.

 

Có vẻ như “giải pháp” của Yoko Ono đã có hiệu quả. Năm 1975, John Lennon và Yoko Ono chính thức tái hợp. Sau lần sảy thai trước đó, cặp đôi chào đón đứa con trai đầu lòng, Sean Taro Ono Lennon. Với người con có được từ cuộc hôn nhân trước đó mang tên Julian Lennon, John không có nhiều tình cảm và bỏ bê cậu con trai này. Nhưng với Sean thì ngược lại, cậu bé là ánh sáng của cuộc đời ông. Trong 5 năm, John quyết định “ở ẩn” để dành toàn bộ thời gian chăm sóc con trai mình.

 

Những năm tháng ở Dakota thực sự là khoảng thời gian hạnh phúc nhất đối với ngôi sao thế giới này. Ông tận hưởng những niềm vui nhỏ bé và giản dị của cuộc sống như nướng bánh mì, nuôi mèo và chăm sóc Sean. Cuối cùng, vào năm 1980, cặp đôi đã phát hành những ca khúc mới: “Dear Yoko”, “Hard Times are Over”, “Beautiful Boy (Darling Boy)”. Dường như, sau tất cả, họ lại trở về với nhau và cùng xây dựng gia đình nhỏ bé nhưng hạnh phúc hơn bao giờ hết.

 

Thế nhưng, hạnh phúc chẳng được bao lâu. Trong một đêm đông vào năm 1980, khi hai vợ chồng đang trên đường đi thu âm cho ca khúc mới có tên “Walking on Thin Ice”. John quay sang chúc cậu con trai yêu dấu ngủ ngon. Khi John và Yoko bước ra khỏi chiếc xe limousine của mình, một kẻ tâm thần đã bắn chết ông ngay trước mặt gia đình của mình.

 

Tưởng nhớ

 

Những ca khúc điển hình: “I Don’t Know Why”, “No, No, No” – Yoko Ono (1981), “Imagine” – Yoko Ono (2018)

 

MV “Imagine” – Yoko Ono.

 

Yoko Ono đã làm ra album “Double Fantasy” để ca ngợi rằng John Lennon là một người chồng, người cha tuyệt vời ra sao. Nhưng album solo “Season of Glass” lại chứa đựng những nỗi đau tột cùng về khoảng thời gian đen tối mà bà đã phải vượt qua. Với ca khúc  “I Don’t Know Why” và “No No No”, Yoko Ono không tưởng nhớ về John như một huyền thoại âm nhạc mà kể về ông như một người chồng, người cha bình dị và tuyệt vời nhất.

 

Trong một bộ phim tài liệu về John Lennon, cậu con trai Sean khi trưởng thành đã hồi tưởng những ký ức về cha mình. Anh nói: “Tôi vẫn nhớ khuôn mặt cha, cổ của ông, tóc ông, cả hình dáng đôi chân và vết sưng bên mắt cá chân phải của ông. Tôi nhớ rõ cảm giác râu trên cằm ông cọ vào mình”. Cả anh và Yoko Ono vẫn luôn tin tưởng rằng John vẫn đang đâu đó, hiện hữu bên cạnh họ. Và tình yêu này có lẽ sẽ được Yoko mang theo đến cuối đời.

 

Với người ra đi hay với người ở lại, đây vẫn là mối tình khắc cốt ghi tâm, chung tinh theo cách đặc biệt nhất.

 

Theo một khía cạnh nào đó, tình yêu của Yoko Ono và John Lennon vẫn là mối tình gây ra nhiều tranh cãi. Thế nhưng, trải qua nhiều thăng trầm đã qua hơn 50 năm, với cả người ở lại và người ra đi, đây vẫn mối tình khắc cốt ghi tâm và chung tình theo một cách đặc biệt nhất.