Những ngày gần đây, người dùng internet đang dành nhiều sự chú ý cho ChatGPT – một chatbot AI chỉ mới ra đời được hơn 2 tháng. Gây ấn tượng với những chức năng có thể thay thế công cụ tìm kiếm lẫn các trợ lý ảo, liệu ChatGPT có thể giúp ích trong việc làm nhạc?
ChatGPT là gì?
Theo trang USA Today, ChatGPT – được viết tắt từ “Chat Generative Pre-training Transformer” là một chương trình máy tính trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra những câu trả lời giống như con người cho bất cứ điều gì được hỏi. Đây là ứng dụng đang gây bão khắp internet trong những ngày qua đến từ công ty khởi nghiệp OpenAI có trụ sở tại San Francisco. ChatGPT chỉ mới ra mắt công chúng vào ngày 30/11 năm ngoái, trong vòng 5 ngày đầu đã thu hơn một triệu người sử dụng. Con số ấy đã tăng lên 10 triệu ở ngày thứ 40. Tập đoàn Microsoft cũng đã xác nhận rằng họ sẽ đầu tư “nhiều năm, nhiều tỷ USD” vào OpenAI.
ChatGPT được “đào tạo” bằng những dữ liệu đã tồn tại trên internet tính đến năm 2021. Khi người dùng nhập câu hỏi hoặc lời mô tả, ứng dụng sẽ phản hồi với tốc độ cực nhanh. Ứng dụng AI thế hệ mới này được ra đời để cạnh tranh với các công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google hay các trợ lý ảo như Alexa và Siri. Nó cũng có thể thực hiện hầu hết các yêu cầu của người dùng về những việc như viết thông tin, tạo nội dung, dịch vụ chăm sóc khách hàng, nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu pháp lý… và thậm chí là làm nhạc.

Ứng dụng OpenGPT vào làm nhạc
Mặc dù ChatGPT có thể tạo nhạc, nhưng đây không phải là phần mềm sáng tác cũng như sự thay thế cho khả năng sáng tạo của con người hay có sự hiểu biết về âm nhạc. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng như một công cụ tìm cảm hứng hoặc ý tưởng mới, nhưng chất lượng của câu trả lời tất nhiên vẫn sẽ phụ thuộc vào những người dùng đặt ra và bối cảnh cụ thể.
Người dùng có thể sử dụng ChatGPT để tạo lời bài hát hoặc thậm chí hoàn thành một bài hát đang viết nửa chừng bằng cách đặt tựa đề hoặc chủ đề cho ứng dụng, chẳng hạn như gõ vào “hãy viết một verse lời về món hột vịt lộn theo phong cách The Beatles” hay “hãy viết lời một bài hát với chủ đề tranh cãi xem súp cua là món cháo hay món canh”. Người dùng cũng có thể yêu cầu ứng dụng tạo giúp mình giai điệu, hợp âm hoặc một nhạc phẩm trọn vẹn với điều kiện phải cung cấp thật chi tiết những thông tin như phong cách, dòng nhạc, nhạc cụ, tiết tấu… như “hãy viết một đoạn nhạc theo âm giai ngũ cung, nhịp 4/4, sử dụng đàn bầu cho lời bài hát là bài thơ “Bánh Trôi Nước””.
Như đã nói, các nhạc sĩ có thể nhờ ChatGPT hoàn thành đoạn nhạc ngắn thành một bài hát hoàn chỉnh. Tuy nhiên, kết quả được trả về cũng ghi rõ rằng “hãy lưu ý là đoạn nhạc này có thể không đáp ứng với phong cách mà bạn mong muốn hoặc sai thể loại nhạc”. ChatGPT còn một ứng dụng nữa khá thú vị trong âm nhạc đó là hỗ trợ phân tích, đánh giá, so sánh âm nhạc, chẳng hạn như “hãy viết review cho ca khúc “Bohemian Rhapsody” của nhóm Queen”. Có điều, ứng dụng sẽ từ chối làm việc nếu người dùng yêu cầu viết một bài đánh giá với văn phong tiêu cực, khắt khe để chê bai một bài nhạc.

Rủi ro và lo ngại
Nếu chưa chắc mọi thứ chúng ta đọc hàng ngày trên internet đều đúng thì ChatGPT – một ứng dụng học tập từ dữ liệu trên internet để trả lời câu hỏi của người dùng cũng thế. Mặc dù người dùng có thể cảm thấy thông tin được trả về nghe rất chuyên nghiệp, đáng tin, nhưng mọi thứ vẫn có khả năng sai sót.
Ngoài ra, sự tiến bộ của âm nhạc do AI tạo ra đã gây ra một cuộc tranh luận về bản quyền hợp pháp và đạo đức. Tháng 12/2022, Văn phòng Bản quyền Mỹ sẽ không đăng ký tác quyền cho tác phẩm do riêng AI tạo ra mà sẽ đăng ký các tác phẩm được tạo ra từ dữ liệu do con người cung cấp. Nhưng những điều này vẫn chưa được pháp luật làm rõ cũng như đưa ra những quy định cụ thể và gây khó khăn cho việc bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sĩ khi bị một ứng dụng AI nào đó sao chép nhạc.
Mặt khác, bước đột phá về công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng đã tạo ra sự lo lắng cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà sản xuất, kỹ sư chuyên nghiệp và những người khác trong ngành công nghiệp âm nhạc thu âm rằng sinh kế của họ có thể bị đe dọa. Tuy nhiên, theo quan điểm của các nhà kinh doanh làm việc trong lĩnh vực AI, công cụ này chỉ chỉ đơn giản là bước tiến tiếp theo trong di sản lâu đời của công nghệ trong việc định hình cách tạo ra và ghi lại âm nhạc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo.