Với Mew Amazing, nhân vật phản diện trong tất cả các bộ phim đều hấp dẫn hơn nhân vật chính. Vì thế, anh lựa chọn đóng vai phản diện trong chính âm nhạc của mình. Ở đó, những thứ độc hại, mặt tối hay góc khuất trong tâm hồn con người mới là thứ Mew Amazing kể cho khán giả thay vì một thông điệp đẹp đẽ hay câu chuyện nào đó để chữa lành. Ngay cả cách Mew tìm kiếm chất liệu sáng tác cũng đến từ câu hỏi: “Anh/ chị ghét điều gì nhất, nói Mew nghe đi!”.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, bởi ở năm 2023 một chương mới của Mew được mở ra với nhiều thử thách, bài tập cần phải đi tìm đáp án hơn. Biết đâu vào một ngày đẹp trời bạn sẽ bắt gặp Mew Amazing trên sân khấu, cầm MIC và hát những sáng tác của chính mình với nguồn năng lượng hoàn toàn khác thì sao?
Một trong những dấu ấn Mew Amazing để lại trong năm 2022 này chính là việc tham gia sản xuất album “CONG”. Có lẽ sản phẩm này không chỉ có ý nghĩa với riêng Tóc Tiên mà còn với chính Mew khi bạn có cơ hội đảm nhiệm vai trò Đạo diễn âm nhạc?
Thật ra tôi không đồng hành cùng album “CONG” ngay từ những ngày đầu mà chỉ bắt đầu tham gia vào giữa quá trình sản xuất. Đây không hẳn là một sản phẩm được thai nghén từ những ý tưởng cơ bản. Ban đầu chúng tôi có trong tay 1 hoặc 2 bài lẻ, sau đó là “vừa đi vừa mò”. Có thể hiểu “CONG” giống như một tấm bản đồ chưa có đường lối hay phương hướng gì cả mà đi tới đâu ekip sẽ hoạch định tới đó. Nghiêm túc nhìn nhận thì album này khiến ekip và bản thân tôi với vai trò một Đạo diễn âm nhạc đều hài lòng về tính đột phá của nó, về những sự xuất hiện của chị Tóc Tiên cũng như thông điệp mới mẻ gửi gắm qua các bài hát, để từ đó đặt những cái viên gạch cho những sản phẩm sau. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận nếu tấm bản đồ này được tính toán vẽ vời rõ ràng từ sớm thì có lẽ mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nhiều.
“CONG” cũng là sản phẩm để tôi và chị Tóc Tiên thử xem niềm tin chúng tôi dành cho nhau lớn đến đâu, bởi đây gần như là lần đầu tiên hai chị em làm việc chung trong một dự án dài hơi dù đã quen biết từ năm 2016. Đó cũng là năm tôi đạt giải Cống hiến nhưng tại thời điểm đấy người tôi muốn làm việc cùng lại là chị Hồ Ngọc Hà. Tôi cảm thấy mình có thể khai thác nhiều khía cạnh khác từ màu sắc âm nhạc của chị Hà nhưng tiếc là duyên chị em chưa tới. Với chị Tóc Tiên thì tôi đã ấn tượng từ ca khúc “Ngày Mai”. Chị Tiên tìm đến tôi sau khi nghe bài “Thật Bất Ngờ” do Trúc Nhân hát, chị nói rất thích những màu sắc âm nhạc mới mẻ như vậy. Thế nhưng lúc bấy giờ khán giả lại quá yêu thích Tóc Tiên ở thể loại EDM và bản thân chị cũng muốn tô đậm phong cách này nên khoảng năm 2017 đến 2018 chị vẫn tự do vùng vẫy với EDM. Song song đó, hai chị em vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau về các ý tưởng sáng tạo. Đến tầm năm 2018, 2019 chúng tôi có những bài hát đầu tiên là “1 Cọng Tóc Mai” rồi đến “906090”. Sau này chị Tiên mới gom góp thêm vài mảnh ghép khác phù hợp để tạo thành một album hoàn chỉnh.
Có thể nói “1 Cọng Tóc Mai” là màn khởi động đầy ấn tượng, không chỉ bởi chất liệu âm nhạc mà còn đến từ ngay tựa đề bài hát.
“1 Cọng Tóc Mai” là ca khúc thử thách chị Tóc Tiên rất nhiều. Tôi vẫn còn giữ những đoạn clip ghi lại cảnh chị Tiên vật vã trong phòng thu như thế nào. Có những đoạn melody chị chưa bao giờ hát, nó khó đến nỗi phải ôm đầu và thậm chí còn phải đập nhịp để thu nữa mà. Hai chị em chúng tôi đều quằn quại trong phòng thu và tôi cảm thấy hài lòng khi có thể lôi được những nét cá tính mà chưa ai khai phá được ở người chị này. Nhiều người đều cảm thấy bất ngờ với màu sắc âm nhạc trong “1 Cọng Tóc Mai”. Kiểu như “ủa cái gì vậy trời, hết hồn”. Rõ ràng là thế đúng không?
Thật ra so với bản demo đầu tiên tôi gửi cho anh Touliver thì gần như phần ca từ trong “1 Cọng Tóc Mai” không hề thay đổi, vẫn là “buồn trong em chỉ dài bằng một cọng tóc mai”. Chỉ là tôi chưa dám lấy chữ “cọng” để làm tựa đề bài hát, nhưng chị Tiên bảo “được” nên lấy thành tựa đề luôn. Là người miền Nam nên với tôi từ “cọng tóc” rất bình dân. Thông thường mọi người hay nghe “một làn tóc”, “một suối tóc”, “một sợi tóc” theo bộ ngôn ngữ chính thống nhưng lại quên rằng chúng ta vẫn còn đó tính vùng miền trong ngôn ngữ. Tôi cũng rất thích khẩu ngữ của người Quảng Nam hay Đà Nẵng vì chúng khiến tôi hứng thú và giúp âm nhạc của tôi luôn luôn mới. Sau này nếu có thể tôi muốn viết những ca khúc có những câu từ như “mi chộ chưa?”, nghĩa là “mày thấy chưa?” đó. Đối với tôi, việc viết nhạc sử dụng bộ chữ tiếng Việt quy chuẩn giống như một nhân viên văn phòng mẫn cán lúc nào cũng mặc áo sơ mi đi làm vậy. Đồng ý là âm nhạc nên có quy chuẩn nhất định nhưng nếu người viết bỏ qua yếu tố vùng miền thì hơi đáng tiếc, bởi như thế thì ngôn từ của họ sẽ không bao giờ phong phú được. Dĩ nhiên nó cũng là thách thức đối với khán giả nữa. Nếu họ chưa bao giờ nghe cụm “1 Cọng Tóc Mai” trong bất kỳ bài hát nào thì chẳng phải như vậy rất thú vị sao? Sự mới mẻ mình đưa cho khán giả cũng giống như cái đồ bật nắp dùng để bật lên trong đầu họ một suy nghĩ nào đấy. Nhiều khi khán giả ghét cũng được, không sao cả. Năm dài tháng rộng âm nhạc vẫn còn đó, lỡ mai mốt người ta nghe lại rồi tự dưng thấy thích thì sao?
Dễ dàng nhận ra thông điệp về phụ nữ, cụ thể là nữ quyền được thể hiện rất mạnh mẽ trong album “CONG”. Điều gì đã thôi thúc Mew Amazing khai thác và gắn bó với chủ đề này?
Với những sản phẩm đã làm từ trước đến nay, đặc biệt với nghệ sĩ nữ, tôi luôn muốn họ có thể hát những ca khúc mang thông điệp khác biệt hơn so với những gì mọi người đã từng nghe về phụ nữ thông qua âm nhạc. Phụ nữ yếu đuối, mềm yếu, họ đầy tình yêu, họ thất bại, gục ngã hay thế này thế kia. Bản thân tôi lại cảm thấy nhiêu đó chưa đầy đủ, phụ nữ còn có nhiều tâm sự khác. Tôi muốn gửi gắm những hạt giống đầu tiên cho các nghệ sĩ nữ. Ai có thể truyền tải được thông điệp hay nguồn năng lượng tới khán giả thì tôi rất sẵn sàng hợp tác. Khi đặt những viên gạch đó với Tóc Tiên, tôi mong mọi người sẽ nhận ra rằng một khi Mew Amazing đã làm việc với nghệ sĩ nữ thì không chỉ có những bài hát vui vẻ, dễ chịu mà chúng còn nói thay tiếng lòng của nhiều người phụ nữ ngoài kia. Trước chị Tóc Tiên thì đã có chị Thu Minh với “DIVA”. Tôi cũng từng làm việc với chị Thuỷ Top trong một bài hát rất nữ quyền dù đó chỉ là một sản phẩm quảng cáo.
Có lẽ vì chưa có ai làm nhiều nên những câu chuyện về phụ nữ, về nữ quyền hấp dẫn tôi. Tôi cảm thấy cứ mỗi khi nhắc đến hình ảnh phụ nữ trong âm nhạc thì lúc nào cũng “anh ta bỏ em rồi”, hay “trả em cho anh ấy”… Biết là con người ai cũng cần sự vuốt ve, an ủi nhưng nếu cứ chìm trong cảm giác ấy thì họ sẽ tự bi luỵ hoá mọi thứ xung quanh rồi từ từ trở thành nạn nhân trong chính cuộc sống của mình. Vậy nên tôi nghĩ rằng nếu đưa cho phụ nữ một lăng kính khác để họ nhìn vào, qua đó thức tỉnh năng lượng tích cực trong người họ thì sẽ tốt biết bao. Đó là mong muốn của tôi. Tôi không muốn thấy bất cứ người phụ nữ nào khổ sở trong âm nhạc nữa, mệt mỏi lắm rồi.
Trong âm nhạc, phái nữ thường không bị giới hạn nhiều nên đó sẽ là một vùng đất màu mỡ để chúng ta khai thác. Ví dụ như nam hát nhạc nữ tính sẽ bị đánh giá nhiều hơn việc nữ hát nhạc nam tính. Vì người ta vốn đã mặc định nữ hát nhạc nam tính một xíu cũng không sao, nhưng nam mà hát nhạc nữ tính thì nghe hơi kì. Tuy nhiên tôi cũng muốn có những nghệ sĩ nam dù trên sân khấu rất nam tính nhưng âm nhạc của họ lại mang tính nữ. Tính nữ khác với nữ tính nha. Yếu tố đó sẽ được thể hiện qua lời ca và giai điệu. Dĩ nhiên sau này tôi sẽ làm, chẳng sao cả. Và cũng có thể tôi là người đầu tiên làm điều đó cho chính mình. Tôi rất thích khai phá con người một cách đa màu sắc, chứ không muốn người ta nhìn nam nữ một cách rạch ròi trắng và đen. Lúc đó âm nhạc sẽ trở nên phong phú và mang tới nhiều cảm xúc cho người nghe hơn.
Việc khai phá những khía cạnh mới mẻ như sự đa sắc mà Mew Amazing đang nói tại thị trường Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Bạn có lường trước được những điều đó không?
Có chứ. Và khó khăn rõ ràng nhất chính là doanh số không cao. Những sản phẩm nghệ sĩ phát hành, ngoài việc được khán giả đón nhận thì chúng sẽ trả về số. Mà số không về thì tiền không có, thế thôi. Một khi nhìn vào doanh số, tôi biết bản thân cần phải cân đo đong đếm lại âm nhạc mình đang làm ở thị trường Việt. Ví dụ “1 Cọng Tóc Mai” là sản phẩm mà tôi và anh Touliver gần như hài lòng tuyệt đối. Chúng tôi không sửa của nhau bất kỳ điều gì, kể cả nhạc hay lời. Thế nhưng số trả về không nhiều. Lúc đó tôi biết rằng với chủ đề về nữ giới cùng màu sắc âm nhạc như thế thì bài toán thị trường cần được tính toán kĩ hơn. Vậy nên “CONG” là sản phẩm rất “chơi” của cả chúng tôi. Ít quan tâm tới kết quả mà chỉ tập trung đưa ra những thể nghiệm mới cho khán giả và chờ đợi phản hồi. Có khán giả nói rằng “cái này mới quá Tóc Tiên chưa từng làm”, “màu hay lời lẽ này ở Việt Nam cũng làm được nữa hả?”, đối với chúng tôi là thành công.
Nếu mọi người để ý thì bài “Bác Làm Vườn Và Con Chim Sâu” tôi mang đi thi “Bài hát Việt” nhiều năm trước rất khó tiếp cận khán giả. Vì thế mỗi khi ra sản phẩm mới tôi đều rút kinh nghiệm từ các sản phẩm trước. Ví dụ như “Thật Bất Ngờ” và “Sáng Mắt Chưa” là hai bài hát có sự nâng cấp khác nhau. “Sáng Mắt Chưa” đã được đơn giản hóa và giải trí hơn so với “Thật Bất Ngờ”. Bài toán về chủ đề xoay quanh phụ nữ cũng vậy. Ngày xưa tôi viết gai góc, trực diện nhưng sau này lại cảm thấy cách truyền tải cũng như món ăn của mình hơi đậm vị đối với khán giả nên tôi chấp nhận cân chỉnh lại chứ không muốn ép uổng họ phải hiểu. Khán giả vốn nghe nhạc theo cảm tính. Họ thích là thích, không thích là không thích. Bản thân tôi sẽ phải thay đổi từ từ.
Đúng là có những ca khúc xuất xưởng trong thời gian gần đây mà nhiều người còn không nghĩ là do Mew Amazing chấp bút nữa đấy.
Đúng vậy. Sản phẩm tôi kết hợp cùng Hoàng Thùy Linh và Wren Evans là “Bắt Vía” thì cho khán giả thấy thật ra Mew Amazing không phải lúc nào cũng có nữ quyền. Trong đĩa “CONG”, “Khá Khen” cũng là một bài nhạc tình cảm nghe dễ thương dễ chịu đấy chứ. Phần nữa, cũng vì tính cá nhân mạnh quá nên dường như lúc nào mọi người cũng nghĩ tôi thích kiểu đao to búa lớn. Bởi thế gần như không ai biết Mew Amazing là người sáng tác “Thích Em Hơi Nhiều”. Tôi nghĩ “được thôi, tôi sẽ viết nhiều bài như thế nữa cho mấy người biết” (cười). Thật ra có những địa hạt ngày xưa tôi chê bai dữ lắm nhưng bây giờ lại muốn tham gia vào. Ví dụ như tôi muốn viết nhạc màu Trung Quốc chẳng hạn. Bởi vì sao? Vì người Việt thích nó. Mọi người cứ chờ xem ông Mew ổng viết màu nhạc đó như thế nào? Riêng tôi rất hứng thú với những bài tập như vậy. Nếu khán giả càng mở lòng với nhiều tư duy âm nhạc khác nhau thì nghệ sĩ sẽ có thêm nhiều đất để thể hiện. Từ đó ngành công nghiệp giải trí sẽ trở nên đa sắc, phong phú hơn nữa.
Kể thêm một chuyện ngược đời thế này. Khắc Hưng hay nói với tôi rằng Hưng muốn âm nhạc của mình phải độc đáo như âm nhạc của Mew. Còn tôi lại muốn âm nhạc của tôi phải phổ cập như âm nhạc của em nó. Tức là chúng tôi đều đi tìm những giá trị mà mỗi đứa đang thiếu. Tôi hay bảo mục tiêu 10 năm sau là khiến mọi người cần âm nhạc của Mew Amazing như cần xăng đi lại mỗi ngày vậy. Nhưng để làm ra một sản phẩm vừa đảm bảo yếu tố thương mại, vừa có tính cá nhân cần sự cân đong rất tỉ mẩn. Việc này chẳng dễ dàng chút nào đâu. Viết thuần hàn lâm khác, thuần đời sẽ khác mà thuần kiểu Indie cũng khác nhưng lại phải gom tất cả vào một tổng thể để phục vụ đa mục đích. Muốn người ta giải trí nhưng không được dễ dãi. Muốn người ta nâng cao thẩm mỹ nghe nhạc lên nhưng cũng muốn họ cảm thấy thoải mái. Bài toán này rất khó nhưng tôi sẽ là người đi giải nó. Viết những bài đơn giản dễ nghe, dễ chịu theo thị trường thì dễ lắm. Nhưng tôi lại thích bài toán khó vì ở ngoài kia đã có nhiều người làm bài toán dễ rồi. Cá nhân tôi qua mỗi dự án sẽ tự đi tìm một đáp án vừa vặn hơn với bản thân mình. Tôi tin rằng những gì bản thân gửi gắm trong các sáng tác của mình sẽ giúp người nghe biết rằng âm nhạc có rất nhiều chất liệu, gia vị mà họ nên nếm thử.
Mew Amazing đã hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ. Tôi cảm thấy hình như ai đến với Mew cũng được là chính mình nhiều hơn thì phải?
Mỗi khi làm nhạc cho một nghệ sĩ nào đó, câu đầu tiên tôi hỏi họ là “anh/chị ghét cái gì nhất, nói em nghe đi. Đây là một buổi nói chuyện đầy sân hận một căn phòng đầy sân hận. Một sáng thức dậy thấy chướng tai gai mắt điều gì, nói cho em nghe”. Có thể cuộc nói chuyện như thế sẽ hơi “toxic” nhưng đó đều là những điều nghệ sĩ không có đất để bày tỏ với sự việc họ thấy trong cuộc sống này. Nghệ sĩ đứng trên sân khấu thể hiện những ca khúc về tình yêu nhưng đôi khi nó không đọng lại gì trong tâm trí họ. Vậy làm cách nào để giúp họ bộc lộ tất cả ra bên ngoài? Đương nhiên là chúng ta phải nói về nó thôi. Khi nghe tôi sẽ có góc nhìn hoàn toàn khác trong câu chuyện ấy rồi dùng những nguyên liệu có được để tạo ra một bài hát. Khi nghệ sĩ hát lên thì đó là chính họ chứ không phải ai khác. Ví dụ như chị Tóc Tiên thì không thể nào hát bài “DIVA”, còn chị Thu Minh cũng không thể nào hát “906090” vì mỗi sáng tác đều được viết riêng cho mỗi người.
Ở một khía cạnh khác, điều khó khăn nhất chính là việc tạo cho nghệ sĩ cảm giác thoải mái để nói về những thứ họ ghét, bộc lộ mặt tối trong con người mình hay chia sẻ những câu chuyện chưa từng nói trước truyền thông. Những bí mật ấy tôi sẽ giữ cho đến lúc chết. Đó là đặc quyền của riêng tôi khi làm nhà sản xuất âm nhạc cho bất kỳ nghệ sĩ nào. Tôi thấy công việc mình làm giống như là một nhà trị liệu vậy. Tôi lắng nghe tất cả tâm sự rồi nhào nặn cho nghệ sĩ một câu chuyện mà chỉ có họ mới giải tỏa được. Tôi tin rằng thứ âm nhạc đấy không chỉ để kiếm tiền, kiếm fan hay để khẳng định bản thân mà còn để chữa lành cho chính họ. Có thể âm nhạc của Mew Amazing rất “dark” nhưng khi nghệ sĩ hát xong sẽ cảm thấy sung sướng vì chúng thể hiện được một phần trong con người họ và họ được thỏa mãn. Cái này gọi là lấy độc trị độc.
Tôi thích vậy đó, tôi thích vào vai những nhân vật phản diện trong chính âm nhạc của mình. Trong các bộ phim, vai phản diện luôn là những nhân vật có nhiều câu chuyện nhất hoặc trải qua nhiều biến cố nhất và điều đó khiến tôi thấy hấp dẫn còn hơn cả nhân vật chính. Tôi tự hỏi tại sao luôn có âm nhạc cho nhân vật chính diện mà không có âm nhạc cho nhân vật phản diện, người mà chúng ta hay gán cho họ những từ ngữ không mấy đẹp đẽ như “trà xanh” hay “tiểu tam” chẳng hạn. Họ xấu tính như thế nào, nhân sinh quan vận hành ra sao, tôi muốn nghe những câu chuyện đó. Tôi tin rằng tất cả nhân vật phản diện luôn có câu chuyện của riêng mình. Chính sự đa dạng đó sẽ cho khán giả biết âm nhạc chỉ đơn thuần thể hiện nội tâm hay cá tính của một con người chứ không đại diện cho bất kì tuyên ngôn nào cả.
Trong quá trình làm nghề, Mew có nguyên tắc bất di bất dịch nào không? Hay mọi thứ sẽ thay đổi theo thời thế, thị trường hoặc theo “mood”?
Mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau về sự dễ dãi. Riêng tôi sẽ không bao giờ dễ dãi trong âm nhạc của mình. Dĩ nhiên bản thân tôi vẫn có thể thoả hiệp với âm nhạc vì mục đích đại chúng nhưng tôi sẽ không bao giờ làm nhạc một cách dễ dãi. Nghe một bài hát nếu cảm thấy chịu đựng được cái tính thoả hiệp này thì tôi vẫn còn có thể chấp nhận. Còn khi sản phẩm nào đó thấp hơn tiêu chuẩn trung bình của tôi về mặt sản xuất thì đương nhiên tôi sẽ nói không. Đó là quy tắc làm nghề của riêng tôi. Tôi đã mở lòng với rất nhiều thể loại âm nhạc, nhiều thông điệp khác nhau bởi vì tôi biết âm nhạc sống được là vì cái gì hay phục vụ cho ai. Tôi nhớ mãi một thầy ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn từng nói rằng: “Các bạn yêu nhạc Mozart nhưng vẫn phải hiểu vì sao Đàm Vĩnh Hưng là ông hoàng nhạc Việt”. Đối với người cần nhiều sự tỉnh táo để làm nghề như tôi, đấy chính là kim chỉ nam. Cái gì chưa vừa lòng, không vừa mắt thì chúng ta có thể không nghe nhưng phải hiểu vì sao nó tồn tại ở đó, tại sao người ta lại đón nhận nó.
Ngày xưa tôi viết nhạc không hề suy nghĩ cho khán giả. Tôi còn từng rất cực đoan trong âm nhạc vì bị ảnh bởi những cây đa cây đề khác như chú Dương Thụ, chú Đỗ Bảo, chú Đức Bảo hay chú Phó Đức Phương… Họ đã dùng tất cả các mỹ từ để viết nên một bài hát và tôi nghĩ như thế mới là hay, mới là âm nhạc. Thú thật là tôi đã phải ẩn đi rất nhiều status “khẩu nghiệp” rồi đấy. Sau này nếu có dịp chắc tôi sẽ phải đi gặp từng đồng nghiệp để xin lỗi vì sự dại dột năm xưa của mình (cười). Qua thời gian, điều tôi thay đổi không phải là sự bất cần trong âm nhạc mà là sự cẩn trọng của chính mình trong việc thể hiện sự bất cần đó ra ngoài. Tôi nghĩ một người bất cần có tính toán sẽ thông minh hơn người bất cần mà không có tính toán nào.
Lần trước khi Mew trò chuyện cùng Billboard Việt Nam, bạn cũng đã gửi lời nhắn tới các nghệ sĩ trẻ là hi vọng các bạn trẻ luôn nhớ về nguồn cội và nền tảng âm nhạc của thế hệ đi trước. Hiện tại dòng chảy nhạc Việt cũng đang chứng kiến sự vươn lên của lứa nghệ sĩ mới. Minh chứng là Top 10 BXH Billboard Vietnam đều là những gương mặt trẻ. Liệu lần này sẽ là lời nhắn hay quan điểm thế nào về lớp nghệ sĩ kế cận từ Mew Amazing?
Nói về chuyên môn, tôi thấy các nghệ sĩ trẻ ngày nay chơi chữ rất nhiều nhưng lại không có các thủ pháp sáng tác mà tiền nhân đã làm như ước lệ, so sánh, trào phúng hay trào lộng. Gần như hai thế hệ bị ngắt kết nối với nhau. Âm nhạc của các bác, các chú có thể hơi khó nghe đối với chúng ta nhưng nếu kế thừa được khả năng chắt lọc ngôn từ như các bậc tiền bối sẽ là một lợi thế rất lớn. Ngày xưa nếu không nghe nhạc của các thế hệ đi trước thì có lẽ không bao giờ tôi có được cách sử dụng ngôn từ như bây giờ. Nhạc của tôi là văn nói nhưng tính văn phải nhiều hơn tính nói. Để có tính văn thì phải tìm về nguồn cội. Ví dụ ngày xưa chú Phó Đức Phương viết thế nào, chú Cung Tiến viết ra làm sao, tại sao họ lại viết như vậy? Thế hệ ngày xưa họ duy mỹ và thơ ca hoá cuộc sống nhiều hơn, thế thì tại sao ngày nay chúng ta không kết hợp tất cả lại. Tôi là người viết thuộc thế hệ 9x mà gần như có thể viết được ngôn ngữ GenZ. Tôi trộn tiếng Anh với tiếng Việt, chơi chữ đủ thứ nhưng sẽ có những câu chữ tôi vay mượn từ bậc tiền nhân vì học được sự hay ho cũng như sức nặng của những ngôn từ ấy. Các bạn trẻ cũng có nhiều thứ chắc chắn bản thân tôi cũng phải học theo.
Tôi cảm thấy lứa nghệ sĩ giống như tôi, chị Hoàng Thùy Linh hay anh Đen Vâu… đều thể hiện sự giao thoa rất rõ ràng. Chúng tôi giữ được tinh thần trong thứ âm nhạc mà mình từng lớn lên, đồng thời vẫn tiếp thu được ngôn ngữ GenZ để tạo nên một món ăn vừa có tính chân – thiện – mỹ, vừa mang tính thời đại. Tôi cảm thấy tiếc nếu các bạn nghệ sĩ trẻ lựa chọn xuôi theo dòng chảy thời đại mà không biết học hỏi những nguồn tư liệu thế hệ trước để lại.
Còn câu chuyện về thông điệp cần có trong mỗi sáng tác thì sao? Có người khẳng định “tôi không cần sáng tác của mình mang quan điểm hay thông điệp mà chỉ cần khán giả nghe, hiểu và cảm nhận”. Mặt khác, lại có ý kiến cho rằng “nếu âm nhạc không có thông điệp thì khán giả sẽ nghe cái gì?”.
Thật ra âm nhạc nào mà chẳng có thông điệp. Một khi đã đặt bút xuống viết lời thì lúc đó đã có thông điệp rồi. Quan trọng là người viết có làm cho nó hấp dẫn hay không mà thôi. Tất cả bài hát đều mang một thông điệp, cho dù chỉ kể một câu chuyện vô thưởng vô phạt như kiểu “em thích chuối tây chuối ta” hay “nóng như cái lò”. Nhiều khán giả không thể chấp nhận được âm nhạc như thế nhưng bản thân tôi lại rất thích. Tôi thấy có vẻ nhiều người đang thần thánh hóa âm nhạc thì phải. Họ muốn khi đeo tai phone vào phải nghe được những câu chuyện sâu sắc, một liều thuốc chữa lành cho trái tim hay thông điệp sống đẹp nào đó. Còn người nghệ sĩ phải có nhiệm vụ nói lên những điều hoa mỹ, nhân văn và thậm chí là toàn cầu. Thế nhưng cuối cùng thì những bài hát ấy lại trở thành nhạc nền để học bài.
Âm nhạc, dù đôi lúc có bị đánh giá là “rác” hay như thế nào đi nữa, thì vẫn cần được tồn tại vì nó đang phản ánh cuộc sống. Cá nhân tôi muốn trở thành người nghệ sĩ hướng đến quần chúng, làm ra thứ âm nhạc thể hiện tất cả những gì đang diễn ra xung quanh. Đương nhiên những nghệ sĩ thể hiện thông điệp mang tính hoa mỹ vẫn nên ở đó. Khán giả cần văn chương, thơ ca thì sẽ tìm những nghệ sĩ như thế. Còn nếu những ai thích điều gần gũi hơn thì chọn nghệ sĩ quần chúng. Không thể ép một người đi làm ở xí nghiệp 8 đến 10 tiếng mỗi ngày xong về nghe Opera được bởi người ta cần âm nhạc để thư giãn, để xoa dịu cuộc sống thường nhật vốn gặp nhiều khó khăn của họ. Đó là lý do tại sao dù mọi người hay đánh giá nhạc này rác, nhạc kia vô nghĩa nhưng những sản phẩm ấy vẫn có đời sống đối với một số nhóm khán giả nhất định. Đao to búa lớn để làm cái gì khi những thứ đó chỉ thoả mãn cái tôi của nghệ sĩ chứ chẳng giúp được gì cho người nghe. Chúng ta lý tưởng hoá âm nhạc của mình, coi nó như một thánh đường nhưng đối với khán giả đó chỉ là một công cụ giải trí không hơn không kém. Vì thế cứ chấp nhận sự thật và chủ động cài cắm vào âm nhạc tất cả những gì để khán giả thực sự cảm thấy giải trí.
10 năm làm nghề tôi học được một bài học là không đổ lỗi cho khán giả. Họ có quyền chọn lọc khi nghe nhạc và cũng có quyền nói “tôi cảm thấy âm nhạc của anh không giúp ích gì cho xã hội, nó không nên tồn tại”. Mình là nghệ sĩ nên phải chấp nhận bởi vì không ai có thể cấm khán giả nghĩ gì, thích hay không thích điều gì đó. Một khi cứ khăng khăng đi ngược lại với lý tưởng chung của nhiều người chắc chắn sẽ phản tác dụng. Tôi thường chọn cách im lặng và luôn luôn tôn thờ sự đa màu sắc trong âm nhạc. Nếu mọi người cởi mở thì đời sống tinh thần sẽ có nhiều điều thú vị hơn. Chỉ thế thôi.
Một câu chuyện khác mà chúng ta đang nhìn thấy rất rõ tại ngành công nghiệp âm nhạc chính là sự phổ biến của công nghệ AI. Hàn Quốc có idol ảo, những buổi biểu diễn của nghệ sĩ trên thế giới cũng được áp dụng công nghệ này. Mới đây, Việt Nam cũng vừa ra mắt hai nghệ sĩ AI. Có chăng điều này sẽ trở thành xu hướng của tương lai?
Tôi hoàn toàn cởi mở với công nghệ, thế nhưng tôi vẫn tin vào sự kết nối giữa con người với nhau nhiều hơn. Việc người ta AI hoá các buổi biểu diễn của ca sĩ Whitney Houston vốn dĩ chỉ để cho khán giả có một trải nghiệm mới. Dù công nghệ có hoàn hảo như thế nào đi nữa, xem một concert ảo sẽ chẳng bao giờ chạm tới đỉnh của cảm xúc giống như lúc thưởng thức concert thật. Khi nào còn chữ “ảo” trong tên gọi tức là sự phân định vẫn ở đó nên tôi cho rằng AI chẳng thể nào thay thế được con người. Nó chỉ có thể giúp khán giả có thêm trải nghiệm cảm xúc chứ không thể thay thế được việc bạn có thể cầm, nắm, chạm vào nghệ sĩ thật cũng như cảm nhận được từng giọt nước mắt hay nụ cười của họ. Tôi nghĩ đó là một cách mở rộng thị trường, cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn và để kiếm được nhiều tiền hơn. Ví dụ như ban nhạc ABBA, bây giờ các cô chú đã lớn tuổi rồi nên có thể biểu diễn nhờ vào AI. Công nghệ tái tạo lại hình ảnh ABBA thời trẻ để các nghệ sĩ không bao giờ chết trong lòng khán giả. Ai cũng biết đó là ảo ảnh nhưng đều chấp nhận bỏ tiền ra để xem những khoảnh khắc ấy. Giống như đọc tiểu thuyết vậy thôi, đều là những nhân vật không có thật. Khán giả có tận hưởng không? Có chứ. Nhưng để hỏi AI có thay thế cho những trải nghiệm khi tiếp xúc với người thật, thì câu trả lời sẽ là không. Công nghệ ảo chỉ khiến chúng ta “wow” lên chứ không mang đến cảm xúc hay rung động sâu sắc. Bộ não sẽ cho ta biết đâu là thật, đâu là ảo rồi đến một thời điểm tự nhiên sự hứng thú sẽ mất đi.
Nhìn lại hành trình 10 năm, từ một người theo đuổi âm nhạc đến vai trò Đạo diễn âm nhạc như bây giờ, để nói về sự hạnh phúc hay niềm tự hào thì Mew Amazing thấy mình đã nhận được điều gì?
Tôi nghĩ rằng điều hạnh phúc nhất trong chặng đường làm nghề là tôi được thừa nhận. Ngày xưa thi “Bài hát Việt” rồi đoạt giải là một sự thừa nhận. Nhận giải Cống hiến là một sự thừa nhận. Được các cây đa cây đề gọi mình bằng cái tên Mew Amazing dù các chú, các bác lớn tuổi không đọc tiếng Anh. Đối với tôi đó cũng là một sự thừa nhận. Họ có thể đọc Lê Đức Hùng mà nhưng vẫn đọc Mew Amazing dẫu cái tên đó bị người ta nói “lai Tây, lai Tàu”. Sau này khi đứng cùng anh Touliver với vai trò Đạo diễn âm nhạc lại là một sự thừa nhận khác nữa. Tôi thấy hài lòng về chặng đường mình đã đi qua. Nhưng nếu hỏi tôi sự vui sướng ấy có tồn tại lâu không, tôi sẽ nói “không”. Tôi là người khi đã hoàn thành xong việc gì đó thì sẽ quên khá nhanh. Tôi người hay nhìn về phía trước. Tôi sẽ không bao giờ ngủ quên trong chiến thắng quá lâu. Quên đi để còn nghĩ về những cái khác nữa chứ. Sau này mỗi lúc yếu lòng hay buồn bã gì đấy mới lấy ra nhìn lại để thấy “à mình đã đi được xa như vậy rồi sao?”. Đó mới là lúc nên dùng kỉ niệm để mình sốc vác bản thân lên.
Ngày xưa viết bài xong rồi bán cho nghệ sĩ, người ta cảm thấy phù hợp thì sẽ mua. Sau đó tôi tiến lên thêm một cấp nữa, trở thành một người kiến tạo. Tôi nghe câu chuyện của người khác rồi tạo nên một tác phẩm. Hoặc nhiều khi câu chuyện đó không phải là của nghệ sĩ nhưng tôi sẽ là người vẽ ra cho họ. Tôi đo ni đóng giày cho những nhân vật mà nghệ sĩ sẽ sắm vai. Hầu như những dự án hiện tại tôi nhận đều là dự án lớn. Có thể tôi sẽ thử làm 1 hoặc 2 bài, nhưng xong rồi nếu tin tôi thì hãy để tôi tạo ra kỷ nguyên lớn hơn trong âm nhạc. Bởi vì chặng đường của nghệ sĩ không phải 1, 2 hay 3, 4 bài hát. Để dịnh danh người nghệ sĩ đó thì chắc chắn phải cần có người nghĩ xa hơn cho họ. Tôi cảm thấy rất vui khi mình được nâng cấp lên vai trò nữa trong sự nghiệp là Đạo diễn âm nhạc.
Vậy trong năm 2023 sắp tới, khán giả có thể chờ đợi điều thú vị gì khác ở Mew Amazing?
Bây giờ tôi nếu bảo năm sau tôi sẽ đi biểu diễn liệu mọi người có mong chờ không? (cười). Nghiêm túc mà nói thì tôi nghĩ đã đến lúc mình có thể lên sân khấu để khán giả nghe Mew Amazing tự hát những sáng tác của mình thì sẽ như thế nào? Bước lên sân khấu có lẽ là trải nghiệm rất khác so với đứng đằng sau hậu trường. Tôi sẽ cố gắng giải bài toán ấy thật trọn vẹn. Chắc chắn năm sau Mew Amazing không chỉ có mặt trên TikTok mà còn đứng trên các sân khấu âm nhạc nữa. Làm gì thì khán giả cứ chờ sẽ biết.
Còn ở mảng producer, tôi hy vọng có thể tiếp tục kết hợp với nhiều đồng nghiệp khác, kiến tạo ra các gương mặt mới đồng thời muốn khai phá thêm nhiều mảng màu khác của những nghệ sĩ đang nổi. Đặc biệt, tôi muốn làm sống lại hào quang cho thế hệ nghệ sĩ trước. Rất nhiều bậc tiền bối mang hào quang rất lớn nhưng chưa có người đồng hành để có cơ hội được xưng danh xứng tầm với giá trị của mình. Tôi sẽ là người làm việc đó vì họ xứng đáng. Ngày xưa các nghệ sĩ rất giỏi nhưng lại thiếu thốn đủ thứ. Dù chỉ có một cái organ thôi nhưng họ vẫn biểu diễn hết mình. Vậy tại sao giờ đây mọi thứ đã đầy đủ hơn rồi chúng ta không giúp họ một lần nữa thể hiện và tỏa sáng. Âm nhạc có thể vượt thời gian thì nghệ sĩ cũng thế. Không ai chết trong âm nhạc cả. Tôi không muốn thế hệ ấy chỉ còn là những ký ức. Tôi cũng chẳng tin vào chuyện hết thời đâu, trừ khi chính nghệ sĩ nghĩ họ đã hết thời. Tôi sẽ mang đến cho họ một con đường tiếp theo. Dĩ nhiên tôi cũng cần những nghệ sĩ ấy mở lòng với mình.
Chúc cho năm 2023 của Mew Amazing sẽ thành công trọn vẹn. Cảm ơn Mew vì cuộc trò chuyện này.