Danh sách những nghệ sĩ từng thống trị bảng xếp hạng danh giá nhất thế giới ngày càng dài ra, thế nhưng bất ngờ biết bao nhiêu khi trong đó có rất ít nhóm nhạc nam từng gặt hái được thành tích này.
Nhóm nhạc nam gần đây nhất hạ cánh tại vị trí No.1 trên BXH Billboard Hot 100 tất nhiên chính là Jonas Brother. Có lẽ bộ ba anh em này cũng chưa từng nghĩ đĩa đơn đánh dấu màn tái hợp sau 6 năm tan rã lại trở nên hot đến vậy. Thế nhưng, thành tích này không chỉ có ý nghĩa với các fan của ban nhạc gia đình này mà còn có ý nghĩa với cả nền công nghiệp âm nhạc. Bởi sau 16 năm, cuối cùng lại có thêm 1 nhóm nhạc nam giành vị trí thống trị trên BXH này.
MV “Sucker” của Jonas Brother.
Cái tên trước đó là B2K khi đĩa đơn “Bump Bump Bump” của boyband này kết hợp cùng P.Diddy đạt được vị trí No.1 trên BXH Billboard Hot 100. Đó là năm 2003, và tính đến nay là một khoảng thời gian quá dài để có thêm 1 nhóm nhạc nam làm được điều tương tự. Cũng cần nhấn mạnh rằng ở thời điểm 2003 đã qua cái gọi là đỉnh cao của các nhóm nhạc nam, cho nên không hề ngạc nhiên nếu chúng ta không thấy những cái tên như Backstreet Boys hay NSYNC xuất hiện trên BXH tại thời gian đó.
Thế nhưng bao trùm trong suốt những thập kỷ vừa qua của thế kỷ 21 vẫn có vô số những nhóm nhạc nam nổi tiếng. Đó là One Direction, The Wanted, 5 Seconds of Summer hay một hiện tượng gần đây là BTS. Và tất nhiên không thể kể đến Jonas Brother tại thời kỳ ban đầu. Nếu xem xét những bản hit mang tính biểu tượng mà những nhóm kể trên đã mang đến trong suốt hơn một nửa thập kỷ vừa qua, thật choáng khi chẳng có ca khúc nào leo lên tới vị trí số 1 cả.
Lời giải thích đơn giản nhất cho vấn đề này đó là Radio chưa bao giờ là thế mạnh của những boyband/ boygroup (ít nhất là trong thế kỷ này). Chắc chắn đã có những trường hợp ngoại lệ khi một số đĩa đơn của các nhóm nhạc nói trên đã giành ưu thế tại mặt trận Radio. Ví dụ như One Direction đã 2 lần xếp ở No.5 trên BXH Billboard Radio Songs với “What Makes You Beautiful” (2012) và “Story of My Life” (2014). Trong khi đó, The Wanted và 5 Seconds of Sumer cũng lần lượt ghi dấu ấn ở vị trí No.2 cho “Glad You Come” (2012) và “Youngblood” (2018).

Nhưng đó là những ca khúc duy nhất từng được gọi tên trong Top 10 của BXH Radio Songs, và thậm chí là chưa có bất cứ nhóm nào ngoại trừ One Direction từng lọt vào top 40 bản hit radio. Với No.46 mà “Sucker” gặt hái được trong tuần vừa qua, đây chính là bản hit radio đỉnh nhất của Jonas Brother. Trong khi đó, BTS chưa từng lọt vào bảng xếp hạng này.
Nếu không có được sự hỗ trợ nhất quán từ các nền tảng vô tuyến, thật khó khăn để các nhóm nhạc có thể chạm đến vị trí cao nhất của BXH Billboard Hot 100. Vào thời kỳ đỉnh cao của kỷ nguyên iTunes đến cuối những năm 200x, lượng tiêu thụ của Jonas Brother cực kỳ cao như bất kỳ nghệ sĩ nhạc Pop nào. Nhóm đã sở hữu tới 5 bản hit đứng đầu BXH Digital Song Sales, nhưng lúc đó doanh số phát trực tuyến vẫn chưa phải là 1 chỉ số của BXH Billboard Hot 100. Trong khi đó, điểm Radio của nhóm lại không đủ để đưa nhóm vượt qua vị trí No.5 mà đĩa đơn “Burnin’ Up” từng đạt được vào năm 2008.
5 Seconds of Summer cũng đã gặt hái được những thành công và kỷ lục tương tự, khi trong 2 album gần đây nhất của nhóm có đến 6 đĩa đơn lần lượt thống trị BXH Digital Song Sale. Nhưng vì điểm Radio quá thấp đến nỗi không bản hit nào trong số đó vượt qua được vị trí No.16 mà “Amnesia” từng có được vào năm 2014.

Tại sao các đài phát thanh lại miễn cưỡng nắm giữ lấy những đĩa đơn của các nhóm nhạc nam này? Điều này có thể tạo thứ gì đó giúp các nhóm nhạc nam bước ra khỏi vòng an toàn, đi ngược với xu hướng đang bao trùm lấy nền công nghiệp nhạc Pop nói chung. Savan Kotceha, đồng tác giả của bản hit “What Makes You Beautiful?” của One Direction từng nói với Billboard rằng, cách để tạo ra các bản hit cho nhóm nhạc nam là “lập trình ngược” khác với những gì đang diễn ra trên Radio tại thời điểm đó. “Bạn nên tạo ra chính xác những gì đi ngược lại với mọi thứ, vì các cô gái tuổi teen muốn một thứ gì đó hoàn toàn thuộc về họ. Nếu bạn chỉ cố gắng trở thành Usher thì họ sẽ chỉ mua âm nhạc của Usher“, anh nhấn mạnh.
Lý thuyết này có thể giải thích vì sao One Direction có thể phát triển mạnh mẽ với dòng nhạc Pop trong khi các bảng xếp hạng ở đầu thập niên 2010 đang bị rung chuyển bởi các bản EDM. Hoặc tại sao Jonas Brother có thể tìm thấy thành công với các bản Pop-punk ở giữa và cuối thập niên 2000 trong khi dòng nhạc thịnh hành lúc đó là Ballad hoặc các bản Hip Hop sử dụng auto tune. Nhưng điều đó cũng chỉ ra rằng tại sao những bản hit lớn nhất của cả 2 nhóm lại chưa bao giờ tìm được tiếng nói của mình trên mặt trận Radio. Thật khó khăn để một ca khúc nhạc Rock truyền thống như “Best Song Ever” có thể lọt vào top 40 bản hit hàng đầu cũng với Calvin Harris hay Pitbull, và tương tự cũng thật khó để những bản nhạc tạo ra từ tiếng guitar điện tử như “SOS” có được 1 vị trí giữa các bản hit của Chris Brown và Nelly Furtado.
Trong khi đó, ví dụ của 5 Seconds of Summer lại ngược lại hoàn toàn với Jonas Brother khi nhóm không có được thế mạnh ở mặt trận nhạc kỹ thuật số. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy một nhóm nhạc nam không cần phải thành công về nghe phát trực tuyến (streaming) thì mới có thể lọt vào BXH Billboard Hot 100. Sóng phát thanh cuối cùng cũng đã gọi tên “Youngblood” của boyband này, thế nhưng vị trí của nó trên BXH Billboard Streaming Song lại khá tệ khi chỉ dừng lại ở No.25, trong khi trên BXH Billboard Hot 100 ca khúc hạ cánh ở No.7.
MV “Youngblood” của 5 Seconds of Summer.
One Direction có thể thành công hơn ở mảng streaming khi có đến 3 ca khúc lọt vào top 5 của BXH Billboard Streaming Song: “Best Song Ever” đã hạ cánh ở No.2 trong khi “What Makes You Beautiful?” đạt No.4, nhưng vị trí tại BXH Radio Song lại vô cùng thấp. “Best Song Ever” cũng từng đạt No.2 trên BXH Billboard Hot 100 và là ca khúc có thứ hạng cao nhất trước khi “Sucker” xuất hiện. Và thêm nữa “What Makes You Beautiful?” cũng đã đạt No.4 trên BXH phát sóng theo yêu cầu chỉ 1 năm trước khi BXH Streaming Song ra mắt.
Cuối cùng phải đến với “Sucker”, tất cả các yếu tố mới hội tụ đầy đủ để đưa một ca khúc lên No.1 Billboard Hot 100. Ca khúc này đã ra mắt ở vị trí No.1 trên cả 2 BXH Digital Song Sales và Streaming Songs, cùng với đó là tạo được sự ảnh hưởng trên sóng phát thanh. Lời giải thích đơn giản có thể chỉ là cần một bài hát hay kết hợp với thời điểm tốt để ra mắt. Sau 6 năm kể từ khi tan rã, Jonas Brother dường như đã chọn đúng thời cơ để quay lại khi “Sucker” không chỉ bùng nổ trên các BXH mà còn thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng, điển hình là chỉ 1 ngày sau khi đĩa đơn của nhóm ra mắt đã xuất hiện trong top 200 Spotify của Mỹ.
Có vẻ như lần đầu tiên các nhóm nhạc nam đã có chỗ đứng trong cả 2 mặt trận: Nhạc trực tuyến và sóng phát thanh. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như thời gian tới chúng ta chứng kiến những sự hội ngộ của các nhóm nhạc nam trên các BXH nếu như âm nhạc của họ thực sự thu hút công chúng.
