Trang chủ Tin tức Phỏng vấn độc quyền Đây là cách Wren Evans tự trả lời câu hỏi: “Tại sao...

Đây là cách Wren Evans tự trả lời câu hỏi: “Tại sao âm nhạc của mình không Việt Nam?”

YANG

Xin chào, Wren đây!

 

Hiện tại Wren đang làm nốt cái intro này vào lúc 5 giờ sáng. Đây là cái công đoạn cuối của EP mà mọi người lại được nghe nó đầu tiên. 

 

Quá nhiều thứ mà người nghệ sĩ sẽ giấu đi và không nói cho mọi người biết. Và Wren rất là thành thật… hứa luôn. Lớn lên Wren chỉ mong mình nói ra được nhiều sự thật vì đôi khi mình sợ sự thật. Mình không dám nói nhưng nó lại đúng với bản thân mình nhất. Nó đúng với những gì mình suy nghĩ nhất. Nói chung là cái EP này người ta gọi là cái gì nhờ? – raw” – trích trong track “Chiều Hôm Ấy” (Intro). 

 

Cũng vào CHIỀU HÔM ẤY (không nhớ là chiều nào), Wren Evans (cũng có thể là Lê Phan hoặc Nhót) mặc một bộ vest đen và dĩ nhiên không thể thiếu MÀU ĐỎ – màu của chiếc Caravat, order một cốc trà bưởi (nhưng hơi tiếc là quán coffee không có) và kể về những điều raw trong quá trình theo đuổi âm nhạc.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Chúc mừng Wren Evans với EP “Chiều Hôm Ấy Anh Thấy Màu Đỏ” vừa phát hành. Tại sao lại là màu đỏ mà không phải một màu khác, đó là màu phong thuỷ chăng?

 

Hình như màu đỏ đã đi với tôi suốt hai năm qua mà tôi chẳng hề nhận ra. Đến khi làm EP này, lúc ngồi xuống gom tất cả bản nhạc mình viết thì tôi mới phát hiện ra “sao bài nào cũng có màu đỏ như thế này?”. Từng bài một luôn. Mọi người có thể thấy là từ MV “Fever” có quả táo màu đỏ, đến cả MV “Fashion Tán Gái” với Low G tôi cũng mặc một cái áo đỏ choét. Có thể màu đỏ là một màu mạnh đối với mọi người nhưng tôi lại cảm thấy nó cực kỳ gần gũi và tươi nữa.

 

Được biết Wren Evans đã chuẩn bị EP này trong vòng 2 năm. Quá trình sản xuất có điều gì thú vị không?

 

Thật ra EP “Chiều Hôm Ấy Anh Thấy Màu Đỏ” đã bị “delay” rất nhiều lần nhưng tôi cũng mừng vì sản phẩm được ra mắt trong năm nay thay vì năm sau. Tháng Mười Hai đánh dấu chặng đường một năm rưỡi ca hát của tôi, bắt đầu từ “Thích Em Hơi Nhiều” đến “Gặp May” rồi “Cơn Đau”. Tôi nghĩ đây là thời điểm này đủ để khép lại một chương và năm sau sẽ là những màu sắc khác. Có thể nói EP “Chiều Hôm Ấy Anh Thấy Màu Đỏ” đã mang đến một khía cạnh rất nhẹ nhàng của Wren Evans.

 

Lúc bắt đầu thực hiện EP tôi không có định hướng nào rõ ràng rằng tổng thể sản phẩm cuối cùng sẽ ra sao. Chắc chắn là không, bởi tôi chỉ có ý tưởng về âm nhạc, giai điệu hay những trải nghiệm cá nhân để mang vào mỗi bài nhạc. Đó là cách tôi hay làm. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên tôi làm một sản phẩm dài hơi như vậy. Trước khi khi gia nhập công ty tôi đã từng cùng mấy người bạn của mình làm một vài album rồi đăng lên Soundcloud. Trong khoảng thời gian ấy tôi đã học hỏi rất nhiều về cách xây dựng concept, thậm chí là cách mở một cái drive rồi cho vào đấy từng folder. Khi bắt tay vào làm sản phẩm đầu tiên, tôi bắt đầu từ những giai điệu gần gũi nhất với mình. Tất cả những gì đã trải qua trong một năm qua tôi đều gửi gắm vào EP lần này.

 

Những bài hát của tôi là những bài học bản thân rút ra trong quá trình trưởng thành, chẳng hạn như chuyện tình yêu. Tôi không phải người học ở đâu đó rồi áp dụng vào tình yêu, mà tự đúc kết từ chính trải nghiệm yêu đương của bản thân rồi thể hiện ra ngoài thông qua âm nhạc. EP này chính là những bài học tôi học được trong tình yêu và một phần nào đó nó thay đổi luôn cả tính cách của tôi nữa.

 

Ồ, vậy bài học lớn nhất trong tình yêu mà bạn từng học được cho đến bây giờ là gì?

 

Đó là khi nghèo quá thì không nên cố. Nghèo ở đây là nghèo cả về tiền nong lẫn tâm hồn. Mình cho đi rất nhiều nhưng không nhận lại được bấy nhiêu trong tình yêu. Ý tôi nói ở đây không phải là crush, nó là sắc thái tình cảm kiểu khác. Mà trong tình yêu tôi nghĩ cũng có rất nhiều bạn giống tôi, đã cho đi rất nhiều nhưng cảm thấy là nó chưa đủ, là mình cứ đòi thêm. Rồi đến một lúc tôi ngẫm lại, thấy nó như chuyện tiền nong. Giả dụ như mình còn 150 ngàn ở trong ví thì mình cũng không làm gì với nó được nữa.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Việc lựa chọn từng bài hát cho EP có lẽ là một bài toán không hề dễ dàng?

 

Chắc chắn phải là những sáng tác mà bản thân tôi yêu thích, sau đó tôi mới bắt đầu vẽ vời rồi tìm cách để mang nó vào dự án. Luôn luôn là như thế. Tất cả các tác phẩm tôi lựa chọn vào EP lần này, ngay cả những bản interlude đều được đưa vào theo chủ đích nhất định, bài này dẫn dắt đến bài kia. Thực ra những bản interlude khoảng 30 giây đến 1 phút đã là những bài nhạc hoàn thiện chứ không phải tôi đang viết dở rồi đăng lên. Dù chỉ dài 30 giây nhưng đối với tôi nó đã đủ ý rồi. Ví dụ như bài “Anh Thấy”, tôi đã truyền tải đầy đủ là “anh nghèo, vì anh còn tầm này nhưng mà thật ra anh vẫn đưa cho em, anh vẫn đắp hết vào tình yêu”. Mở bài, thân bài hay kết bài đều đủ cả nên tôi không thể thêm thắt gì nữa. Nếu như khán giả muốn có đoạn sau thì có thể tôi sẽ tìm cách phát triển thêm nhưng chỉ là khi ngồi xuống tự nghe lại toàn bộ EP, tôi cảm thấy thế này là ổn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn concept cho EP không cần quá khắt khe như khi làm album. Tôi chỉ sợ sản phẩm của mình dài dòng chứ không sợ ngắn, vì nếu thời lượng ngắn thì khán giả sẽ cảm thấy tiếc và muốn nghe thêm nữa.

 

Cách tôi dàn trải những bài cuối cùng trong EP đúng với “timeline” mong muốn của mình khi tạo ra sản phẩm mới. Càng ngày tôi càng thích thử nghiệm hơn về phần ca từ cũng như phần “mood” ở trong một bài hát chứ không chỉ chất liệu âm nhạc. Bởi lẽ để người nghe cảm nhận trọn vẹn, cần phải có phần lời đi kèm từng nốt nhạc một. Còn phần “mood” có nghĩa là những cảm xúc do tôi xây dựng nên. Tôi muốn đưa những câu từ buồn vào những bản nhạc vui hoặc một bài nào đó nhẹ nhàng, chứ không để ca khúc của mình trở nên buồn bã quá.

 

Trước đây nghe nhạc của Wren Evans thì chỉ toàn tiếng Anh thôi. Từ bản nhạc Việt đầu tiên là “Thích Em Hơi Nhiều” và bây giờ bạn đã có cả một EP. Mọi người thường bảo nếu đã quen viết nhạc tiếng Anh rồi thì khi chuyển sang tiếng Việt sẽ không dễ. Điều này có đúng trong trường hợp của Wren không?  

 

Phải công nhận rằng phần lời đóng vai trò cực kì lớn trong các sản phẩm âm nhạc vì thứ đầu tiên mọi người tiếp cận với một bài hát cũng chính là phần lời. Thú thật là tôi cũng có hơi nản chí khi nhìn lại kho demo của mình, thấy toàn là tiếng Anh. Vậy nên trong năm nay tôi đã học và tập viết lời tiếng Việt rất nhiều. Việc này đã thay đổi cách suy nghĩ cũng như văn hóa trong con người tôi. Trước đây tôi nói chuyện bằng tiếng Anh là chủ yếu nhưng bây giờ tôi bắt đầu nghe nhiều hơn, nói chuyện nhiều hơn để trau dồi vốn tiếng Việt. Phải nói tiếng Việt để viết tiếng Việt chứ không phải cứ nói tiếng Anh thì sẽ viết nhạc được. Hình như tôi đã thay đổi 180 độ luôn rồi đấy!

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Ngay từ sản phẩm debut, nhiều người đã nhận xét rằng âm nhạc của Wren Evans rất tiệm cận quốc tế và bạn sẽ là người tiên phong trong việc thu hẹp giữa nhạc Việt Nam và nước ngoài.

 

Tôi biết nhạc mình tiệm cận quốc tế như thế nào, thậm chí còn đang cố đi ngược lại. Tôi thường hay nhận được những bình luận như “bài này hay nhưng nó là tiếng Anh nên nghe không hiểu gì cả”. Lúc này bản thân mới ngẫm nghĩ rằng “vậy thì nhạc hay nhưng tiếng Việt thì sao”. Tôi không thắc mắc “tại sao những tác phẩm mình làm ra mang hơi hướng quốc tế?” mà tự hỏi “tại sao âm nhạc của mình không Việt Nam?”. Lúc viết nhạc thì tôi viết tiếng Anh chứ không viết tiếng Việt, nhiều bản demo trong kho cũng đậm chất nhạc US/UK. Mãi đến năm nay tôi mới bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên tôi vẫn sẽ ra nhạc tiếng Anh vì bản thân luôn ước mơ có thể mang âm nhạc của mình ra nước ngoài và để làm được điều này thì cách nhanh nhất chính là phát hành nhạc tiếng Anh. Dù vậy, âm nhạc dẫu có mang hơi hướng quốc tế thế nào thì tôi vẫn mong các tác phẩm ấy sẽ tiếp cận người Việt Nam nhiều hơn.

 

Lý do để bạn cố đi ngược là gì khi bây giờ đa số các bạn trẻ đều muốn mang tiếng Anh vào trong ca khúc của mình để tiếp cận với thị trường quốc tế?

 

Làm nhạc tiếng Việt là một trong những mục đích của tôi. Tôi yêu tiếng Việt và muốn người Việt nghe những sáng tác của mình. Giống như việc người nước ngoài đến Việt Nam để tìm kiếm những danh lam thắng cảnh vậy. Trước đây tiếng Việt đối với tôi chỉ là một loại ngôn ngữ thôi. Tôi không biết sử dụng và cũng không yêu nó nhiều như bây giờ. Những lúc học tiếng Việt hay viết tiếng Việt thì tôi lại thêm yêu nó hơn. Càng học, càng nói chuyện thì tôi mới nhận ra tại sao mình lại bỏ quên một thế giới mà đáng lẽ ra mình thuộc về như thế.

 

Trong tiếng Việt có rất nhiều thứ để khai thác. Ví dụ như “trao” trong từ “trao đi” của tiếng Việt đọc lên thì lại nghe rất giống từ “chaos” của Bồ Đào Nha. Mà việc tôi sử dụng giai điệu Bossa Nova trong bài “Trao” lại càng hợp lý hơn bởi chất liệu này cũng đến từ Bồ Đào Nha. Tôi cảm thấy “trao đi” là cụm từ rất hay, rất quyến rũ.

 

Còn nhớ ngày xưa lúc mới làm nhạc đăng lên Soundcloud rồi đưa cho bố tôi nghe thử, bố liền hỏi “cái gì đây hả con?”. Hai thế hệ cách xa mà. Bố thì lại thích nghe nhạc vàng, nhạc đỏ. Tôi hiểu nên chẳng đòi hỏi ông phải hiểu thể loại rap mà mình đang chơi. Giờ mà cho bố nghe “Fashion 3” làm với Decao chắc có lẽ cũng không cách nào để ông hiểu được. Sau này khi làm nhạc kiểu Việt Nam hơn, bố nghe thử thì bảo “ơ bài này nghe được đấy”. Riêng “Thích Em Hơi Nhiều” thì bố tôi rất thích. Lần đầu tiên bật cho bố nghe bản demo thì ông khen “nghe vào thế con, hay đấy, làm tiếp đi”. Lúc đấy rất vui vì có bố ngồi đó nghe như một khán giả. Hôm trước ra EP mẹ cũng có nhắn bảo là rất thích bài “Trao”.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Nghệ sĩ khi họ viết ra một bài hát, người nghe có thể tự hình dung ra nhiều câu chuyện từ đó mà có lẽ đến chính tác giả cũng không tưởng tượng ra được. Trên con đường theo đuổi nghệ thuật ấy, khán giả có lẽ đã tiếp thêm cho Wren Evans nhiều động lực?

 

Tôi có thói quen đọc tin nhắn của các khán giả trên Instagram. Thậm chí có người gửi cho tôi những tâm sự rất dài kể về những trải nghiệm của chính mình. Kiểu như “hôm nay em thi văn, xong rồi em nghe nhạc của anh…”. Tôi thấy mình như một cuốn nhật ký của họ và nhận ra mình phải có trách nhiệm vì đã xuất hiện trong những cuộc đời đấy. Đó chính là động lực để tôi cố gắng truyền tải thông điệp qua âm nhạc một cách tốt hơn. Hoặc những lần đi diễn, tôi luôn tập trung vào việc làm sao để mang đến phần thể hiện tốt nhất trên sân khấu.

 

Không chỉ làm nhạc hay hòa âm phối khí, Wren Evans còn am hiểu về thời trang và thậm chí còn làm đạo diễn. Việc tham gia nhiều vai trò khác nhau có khiến bạn khó tính hơn?

 

Thật ra tôi rất khó tính với chính bản thân mình. Tôi sợ bị lặp lại. Đó là nỗi sợ của tôi từ khi còn bé. Khi làm nhạc tôi đề cao sự sáng tạo, nhưng không phải chỉ làm thôi mà phải có động cơ đằng sau đó nữa. “Làm gì cho mới mẻ và không bị lặp lại?” luôn là câu hỏi của tôi hằng ngày. Tuy nhiên sự khó tính nó luôn đi kèm với kiến thức mà mình có, bởi vì càng biết nhiều thì sẽ trở nên khó tính hơn.

 

Tham gia vào khâu đạo diễn nhưng thực chất tôi không phải đạo diễn. Đương nhiên những ý tưởng ban đầu là của tôi nhưng tôi cần một người phát triển và đưa nó ra thực tế. Tôi khó tính nhưng tôi sẽ chỉ ở một mức độ thôi. Tôi làm nhiều thứ, làm cái này cái kia nhưng đâu thể hiểu rõ bằng những người chuyên nghiệp. Ví dụ như khi tôi cùng với Khang – đạo diễn MV “Trao”, tôi sẽ để cho Khang làm gần như 60% đến 70% còn mình chỉ đảm nhiệm việc lên những ý tưởng ban đầu. Tôi mong những người ai từng làm việc cùng Wren Evans sẽ không có vấn đề với sự khó tính ấy.

 

Nghe bảo Wren Evans viết rất nhiều demo nhưng nếu không có ai hối thúc ra bài thì bạn cứ để đó mà không làm gì hết.

 

Đúng là tôi viết nhiều thật nhưng phải có duyên tôi mới phát hành chứ không thì chúng vẫn sẽ nằm ở trong kho. Chuyện này tâm linh lắm (cười). Ngoài những bản demo viết cho EP, tôi còn có rất nhiều bản nháp khác không được hoàn thành chỉn chu. Đơn giản vì đó là những demo để tôi luyện tập. Tôi thường lấy những beat nhạc từng làm rồi thử viết trên đó. Nếu không được là vứt đi hoặc để xó luôn, có rất nhiều bài như thế. Tuy nhiên đối với tôi ca khúc nào cũng cần phải có những chuẩn mực, có thể là phần nhạc hoặc phần lời. Nếu không đạt cả hai tiêu chuẩn thì tôi sẽ loại ra. Ví dụ như tôi đã làm rất nhiều bài tương tự “Anh Thấy” nhưng cuối cùng chỉ có “Anh Thấy” là được chọn vào EP “Chiều Hôm Ấy Anh Thấy Màu Đỏ”. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều bản demo mà mọi người trong ekip thấy hay nhưng cũng không được chọn bởi không chỉ nhạc và lời phải hay mà tác phẩm còn phải phù hợp với concept tổng thể nữa.

 

Tuy nhiên chuẩn mực mà tôi đặt ra trong mỗi ca khúc sẽ tùy thuộc vào “mood” của tôi. Chúng ta có “mood” để nghe nhạc, còn “mood” trong việc làm nhạc sẽ khác, nó sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp của mình. Ngày nào cũng làm nhạc nên tôi không thể đợi cảm hứng đến mà sẽ tự đưa mình vào những hoàn cảnh nào đó để kích thích bản thân sáng tạo. Vì âm nhạc là để cảm nhận nên tôi cũng không muốn đi theo một barem gì cả. Bởi có những bài từ 10 năm trước nhưng đến bây giờ vẫn rất hay nhưng cũng có những bài nghe lại thì thấy quá chán, quá cũ. Âm nhạc của tôi cũng thế thôi. Có những bài tôi làm ra xong nghĩ là “không đời nào, đúng là rác”. Kiểu trong tuần đầu tiên nghe có vẻ hay nhưng sau đó thì không thấy hay nữa.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Làm nhạc không cần cảm hứng nhưng mọi người hay bảo âm nhạc thì phải có cảm xúc. Ví dụ người diễn viên sẽ có nhiều cách khác nhau để nuôi cảm xúc cho vai diễn còn đối với người làm nhạc thì như thế nào?

 

Đó cũng là câu hỏi mà tôi tự đặt cho bản thân suốt hai năm nay. Tôi nhận thấy chuyện làm beat hằng ngày đối với mình là một loại kỹ năng. Nó tương tự như việc học trống hay guitar vậy. Bởi vì sản xuất beat là hoà âm phối khí và nó không liên quan đến mạch cảm xúc. Đó vẫn là sáng tạo nhưng sẽ thiên về học nhiều hơn. Ví dụ như với những dụng cụ đã có thì mình sẽ làm gì với chúng, sẽ sáng tạo ra cái gì. Công việc này đơn giản hơn khâu viết lời. Viết lời liên quan trực tiếp đến cảm xúc, những gì thật nhất hoặc những trải nghiệm cá nhân.

 

Mọi người hay bảo tôi là “không ra ngoài nhiều thì làm sao viết nhạc?”. Đúng là như vậy. Tôi cảm thấy mình ở nhà nhiều quá nên gần đây có nghĩ đến việc sẽ nghỉ ngơi một chút để “refresh” bản thân. Tôi sẽ coi việc nghỉ ngơi như một nhiệm vụ mà mình bắt buộc phải làm, bởi phải nghỉ thì khi quay lại mới sáng tạo được. Trong thời gian ấy tôi có thể học thêm nhiều thứ mới mẻ. Ví dụ như thử nghe âm nhạc vang lên trên đường phố, ở quán rượu hay quán cà phê để biết là “à thì ra khán giả đang nghe những thể loại nhạc này đây”.

 

Ngoài những khía cạnh mà khán giả đã thấy trong các sản phẩm âm nhạc của Wren Evans thì mọi người cũng rất ấn tượng với sự nghịch ngợm mà bạn từng thể hiện qua sản phẩm “Vàng” kết hợp cùng Daisy Le Garcon. Tôi đang nói đến đoạn nhạc nghe có vẻ bolero và màn kêu lô tô rất thú vị trong ca khúc này. 

 

Bài “Vàng” là chúng tôi đã tiết chế lắm rồi đấy vì tôi và Daisy còn nghịch hơn như thế nữa cơ (cười). Tôi bắt đầu làm nhạc với Daisy từ hồi lớp 10. Trước đây chúng tôi còn có một nhóm tên là SundayBars. Làm cùng Daisy tôi như được quay trở lại với cách làm nhạc ngày xưa của mình. Có những bài cực kỳ nghịch luôn. Chắc năm sau khán giả sẽ được nghe đấy. Tôi còn nhớ trong giới producer từng có mấy cái thử thách như “Thirty Days Challenge”, tức là thử thách làm beat trong 30 ngày. Khi ấy, tôi và Daisy hăng say tới mức hai đứa ngồi cặm cụi làm từ sáng đến tối. Mỗi ngày chúng tôi sản xuất ra 3 bản beat vào buổi sáng, giữa giờ chiều và tối. Trong 30 ngày sẽ có 90 bản, hai đứa cộng lại là 180 bản. Làm xong rồi cứ để đấy thôi. Một khi đã vào guồng là chúng tôi quên hết mọi sự. Thậm chí còn hẹn nhau là “7 giờ sáng mai tôi sẽ gọi ông dậy, không dậy là ông phải làm bù chứ không phải dậy muộn là thiếu beat đâu”. Đó cũng là cách tôi đẩy giới hạn sáng tạo của bản thân lên cao.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Từ những sản phẩm nghịch ngợm trên Soundcloud chuyển qua “Thích Em Hơi Nhiều”, cảm giác giống như việc một học sinh siêu cá biệt mà giờ chăm chỉ học lại từ đầu nhỉ?

 

Tôi đã từng nhận những tin nhắn có nội dung là “em thích nhạc của anh ngày xưa hơn”. Khi ấy cũng hơi tủi thân vì họ đều là những người đi cùng tôi từ rất lâu, từ lúc tôi livestream chỉ có 10 người xem. Nhưng tôi tự nhủ “thôi không sao” vì làm nghệ sĩ ai cũng phải thay đổi để bước sang những chương mới. Bản thân cũng từng là một khán giả nên tôi hiểu cảm giác lúc nhìn thấy thần tượng của mình đột nhiên thay đổi. Tôi không hiểu lý do và kể từ đó tôi quyết định không nghe nhạc của họ nữa. Vì thế việc nhiều người thích tôi của ngày xưa hơn là hiện tại cũng dễ hiểu. Nhưng biết sao giờ. Khán giả đồng hành cùng với nghệ sĩ khi họ cảm thấy được kết nối nên khi không còn sợi dây liên kết nào nữa thì họ có quyền bày tỏ và có quyền rời đi. Nhưng tôi cũng có quyền thay đổi chứ. Đó là cuộc sống.

 

Đa phần nghệ sĩ có hai kiểu đối lập nhau: Một bên là “tắc kè hoa” còn một bên thì sở hữu những đặc trưng riêng. Đâu sẽ là hình tượng Wren Evans muốn hướng tới?

 

Tôi muốn hướng tới cả hai khía cạnh này. Nhưng đôi khi quá biến hoá như “tắc kè hoa” thì tôi không biết mình có để lại dấu ấn gì cho khán giả hay không. Mặt khác, tôi cũng từng nhận được những phản hồi “anh chơi dòng nhạc này nhưng em vẫn thấy anh ở trong đấy”. Có nghĩa dù tôi có chuyển sang thể loại khác thì mọi người vẫn nhận ra nhờ những đặc trưng trong các sáng tác của tôi như cách tôi đi giai điệu. Dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là tôi biết điều mình muốn truyền tải là gì. Tôi mong khán giả sẽ cảm thấy họ đang được đồng hành cùng Wren Evans trong từng giai đoạn hay bất kỳ sự chuyển biến nào. Tôi mong mình có thể xuất hiện trong cuộc sống của khán giả nhiều hơn. Lúc đó âm nhạc của tôi sẽ rất chân thật.

 

Âm nhạc của Wren Evans có bị ảnh hưởng bởi nghệ sĩ nào không?

 

Tôi rất tiếc khi từ bé đến lớn không nghe nhạc Việt nhiều, tôi lớn lên với âm nhạc US/UK. Tôi nghe nhiều nhạc nước ngoài đến mức biết Popstar từng năm là ai luôn đấy. Vì thế dấu ấn nhạc Âu Mỹ cũng như nền văn hóa ấy đã ảnh hưởng rất nhiều tới âm nhạc của tôi bây giờ. Một trong những ngôi sao truyền cảm hứng cho tôi mạnh mẽ nhất có lẽ là Kendrick Lamar. Tôi học hỏi từ người nghệ sĩ này rất nhiều.

 

Phải đến gần 2, 3 năm nay thì tôi mới bắt đầu nghe nhiều nhạc Việt. Gần nhất thì đang nghe mấy bài của anh Sơn Tùng M-TP. Thế hệ trước thì tôi có nghe nhạc của cô Mỹ Linh và chú Anh Quân. Tôi cũng rất vui khi nhìn xung quanh mình có nhiều nghệ sĩ Gen Z cùng lứa tài năng như Mỹ Anh, MONO, GREY D… Mọi người đang làm rất tốt và ai cũng có con đường riêng. Tôi cũng tự đi con đường của mình chứ không thích phải so sánh bản thân với bất kỳ ai. Tôi biết mình cần làm gì.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Wren Evans từng cảm ơn Hoàng Thùy Linh vì đã tìm kiếm các giọng ca trẻ như mình để hợp tác. Vậy ở chiều ngược lại, bạn có ấp ủ mong muốn hợp tác với nghệ sĩ lớn nào không?

 

Tôi vốn là người hâm mộ của cô Mỹ Linh và chú Anh Quân từ rất lâu rồi, những người có thể nói là tiền bối của tiền bối mà tôi muốn có cơ hội được hợp tác nhất. Tôi luôn muốn nói lời cảm ơn tới cô Mỹ Linh và chú Anh Quân và ước mơ của tôi là một ngày nào đó đứng có thể đứng chung sân khấu với cô chú, với ban nhạc Anh Em của chú Anh Quân. Tôi đã từng xem tour diễn cuối cùng của cô Mỹ Linh vào năm 2018. Liveshow đó khiến tôi rất xúc động khi ngồi dưới thưởng thức. Ngoài ra tôi cũng hy vọng sẽ được hợp tác với anh Sơn Tùng M-TP.

 

Năm tới sẽ là một chương mới của Wren Evans. Vậy chặng đường vừa qua đã có những biến động nào lớn và khoảnh khắc nào là tuyệt vời nhất trong hành trình ấy?

 

Có lẽ điều đầu tiên là sự thành công của “Thích Em Hơi Nhiều”. Có thể nói ca khúc này đã đưa tôi tới những nơi mà tôi không bao giờ nghĩ rằng bản thân sẽ đặt chân đến. Việc “Thích Em Hơi Nhiều” được ra đời ngay trong đại dịch và trở thành hit là một điều diệu kỳ đối với riêng tôi. Tiếp theo là “Gặp May”, một MV mà tôi được học hỏi rất nhiều thứ. “Cơn Đau” lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Đó là bài tôi làm nhanh nhất khi sáng tác chỉ trong vỏn vẹn 2 ngày. Đầu năm nay tôi cùng bạn bè quay một MV rất “indie”, có thể hiểu là một sản phẩm có kinh phí thấp tự đạo diễn. Ngoài ra tôi cũng đã ra mắt được EP “Chiều Hôm Ấy Anh Thấy Màu Đỏ”. Trong đó, việc cùng đạo diễn MV “Trao” với Khang cũng là một trải nghiệm đáng nhớ của tôi khi làm nghệ thuật.

 

Nhìn lại những điều đã làm được trong năm qua thì bạn thấy năm 2022 đã mang lại cho mình điều gì?

 

Năm nay, tôi thấy rất vui khi được làm việc với một người tiền bối như chị Hoàng Thùy Linh. Đây là một trong những màn collab đầu tiên trong sự nghiệp của tôi. Chị Linh là một người chuẩn bị rất kỹ càng. Làm việc với chị tôi thấy mình được tôn trọng. Đối với một nghệ sĩ trẻ như tôi thì việc được rất nhiều tiền bối trong nghề nhắc tên thật sự rất hạnh phúc. Không ngờ có một ngày họ tìm đến mình và bảo “em làm đi”. Ngày xưa các anh chị là những người truyền cảm hứng cho mình còn bây giờ tôi lại là người truyền cảm hứng lại cho họ. Đó là điều tôi không thể ngờ tới.

 

Bên cạnh đó tôi còn gặp gỡ những nghệ sĩ cùng trang lứa. Ví dụ như anh GREY D, chúng tôi từng ngồi nói chuyện với nhau ngoài Hà Nội đến 3, 4 giờ sáng. Hay tôi từng có dịp trò chuyện với anh MCK và Low G hay Anh Phan… Đó đều là những mối quan hệ phải có duyên mới gặp nhau hoặc đi cùng nhau. Ngoài ra, tôi cũng rất hạnh phúc khi có cơ hội biểu diễn ở nước ngoài. Tôi nghĩ mình vẫn đang ở độ tuổi phải học hỏi nhiều điều từ người khác cũng như phải tìm hiểu bản thân kĩ hơn. Năm 2022 là năm giúp tôi biết mình đang yếu ở đâu và mạnh chỗ nào, biết mình lười biếng hay chăm chỉ ra sao. Những điều này có thể sẽ có ích trong thời gian tới.

 

phỏng vấn Wren Evans

 

Còn năm 2023, bạn sẽ muốn nói điều gì?

 

Bùng nổ và phá cách. Có rất nhiều thứ tôi muốn cho mọi người xem. Những dự định mà tôi chưa kịp làm trong năm nay sẽ đều đến tay khán giả vào năm sau. Cũng có những thứ tôi đã làm xong xuôi hết rồi và chỉ đợi sang năm mới để phát hành thôi. Đây sẽ là năm tôi chạy cật lực và tập trung hết sức cho âm nhạc.

 

Cảm ơn Wren Evans vì cuộc trò chuyện!