Trang chủ Tin tức K-pop Hàn Quốc đang làm gì để bảo vệ người nổi tiếng và...

Hàn Quốc đang làm gì để bảo vệ người nổi tiếng và thực tập sinh dưới tuổi vị thành niên?

Anna

Chính phủ Hàn Quốc đang thiết lập các biện pháp bảo vệ những trainee và người nổi tiếng chưa đủ tuổi. Hành động này được đưa ra sau những vụ việc lấy danh nghĩa tuyển dụng thực tập sinh để lừa đảo các bạn trẻ chưa đủ tuổi mong muốn theo đuổi ước mơ.

 

Không ít người muốn trở thành thần tượng và bắt đầu sự nghiệp ở độ tuổi chưa trưởng thành. Nhưng cũng vì còn ở độ tuổi chưa đủ chín chắn, họ dễ dàng bị vướng vào những tình huống lừa đảo bởi các công ty giải trí không uy tín. Do đó, văn phòng Điều phối chính sách Chính phủ hiện đang lên kế hoạch để hành động ngăn chặn điều này bằng các cuộc thảo luận với các ban ngành – bộ phận liên quan khác như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, Hiệp hội các nhà sản xuất giải trí Hàn Quốc, Liên đoàn Quản lý Hàn Quốc và Hiệp hội quản lý giải trí Hàn Quốc.

 

Để đánh trúng vào tâm lý muốn theo đuổi mơ ước trở thành người nổi tiếng của nhiều thiếu niên tại Hàn Quốc hiện nay, những công ty quản lý thường hay đưa ra nhiều sự hứa hẹn ngọt ngào, hấp dẫn, nhưng thường thì đó chỉ là những lời nói suông. Không những thế, họ còn bóc lột tiền bạc và những thứ có giá trị khác từ những “con mồi” của mình. Để chấm dứt tình trạng này, chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ công khai thông tin của những công ty trên. Từ bây giờ, hệ thống tìm kiếm trên trang web chính thức của Cơ quan nội dung sáng tạo của Hàn Quốc (KOCCA) sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về từng công ty bao gồm tên, số đăng kí…

 

Có rất nhiều nhóm nhạc ra mắt với các thành viên vẫn còn trong độ tuổi vị thành niên (Ảnh minh họa: Nhóm CRAVITY).

Trong tương lai, những thông tin chi tiết hơn chẳng hạn như những nghệ sĩ nào đang trực thuộc dưới trướng mỗi công ty cũng sẽ được hiển thị trên hệ thống này. Hằng năm, tất cả các cơ quan đã thực hiện đăng kí hoạt động, kể cả những nơi thường khó có thể kiểm chứng được chất lượng thật sự như các học viện giải trí (công ty giải trí kiểu học viện) cũng sẽ bị điều tra định kì 6 tháng một lần.

 

Các buổi thử giọng – một hình thức tuyển thực tập sinh phổ biến tại Hàn sẽ được quản lý sát sao hơn nhằm ngăn chặn việc gian lận và đánh giá không công bằng do các mối quan hệ cá nhân. Sau này, các thông báo liên quan đến những buổi tuyển chọn và thử giọng đều sẽ phải được công khai. Kèm theo đó, quy trình đánh giá sẽ được đưa ra để đảm bảo tính minh bạch. Các mẫu hợp đồng tiêu chuẩn dành cho nghệ sĩ vị thành niên sẽ được công bố rộng rãi trên truyền hình. Ngoài ra, những hợp đồng cơ bản cho các nghệ sĩ thông thường cũng sẽ được xem xét, bổ sung 3 năm một lần để tránh những bất cập và phản ánh đúng tình trạng ngành công nghiệp giải trí tại thời điểm đó.

 

Các điều khoản phạt sẽ được thêm vào để đảm bảo các nhà đài thực hiện đúng luật về việc xuất hiện trên truyền hình của thần tượng (Ảnh minh họa: Nhóm Weeekly).

Việc bảo vệ quyền của những người nổi tiếng dưới độ tuổi thành niên để họ có thể được nghỉ ngơi, học tập, đào tạo một hợp lý đã được đề cập trong Đạo luật phát triển ngành nghệ thuật và văn hóa đại chúng. Từ bây giờ, luật này sẽ được bổ sung bằng các hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng tại những nơi làm việc cụ thể. Ngoài ra, một hướng dẫn về tiêu chuẩn hình ảnh xuất hiện trên TV cũng sẽ được lập ra cho các nhà đài để bảo vệ người nổi tiếng chưa đủ tuổi xuất hiện trên sóng truyền hình.

 

Các điều khoản chưa có quy định phạt cụ thể sẽ được làm rõ. Không chỉ vậy, trong những vụ tố cáo xâm hại tình dục hoặc các hành vi gây hại khác, các nạn nhân còn vị thành niên sẽ được ưu tiên. Để giảm bớt căng thẳng và sự lo lắng của những người nổi tiếng và thực tập sinh chưa đủ tuổi, dịch vụ tư vấn tâm lý và nghề nghiệp do Trung tâm Hỗ trợ Văn hóa và Nghệ thuật Đại chúng của KOCCA cung cấp sẽ được mở rộng để có thể tiếp nhận được 350 trường hợp thay vì 100 trường hợp như hiện tại.

 

Thông báo này được đưa ra sau khi những góc khuất trong ngành công nghiệp giải trí gần đây được truyền thông đưa ra ánh sáng. Một số công ty giải trí đã “dụ dỗ” các thiếu niên gia nhập với lời hứa sẽ cho ra mắt ngay lập tức. Các thực tập sinh trẻ tuổi đã phải chịu áp lực nặng nề như là phải ghi nhớ 30 bài vũ đạo trong 15 ngày, cạnh tranh khốc liệt với những trainee còn lại… Không những thế, các trainee này còn thường bị đối xử tệ bạc, không được cung cấp đủ điều kiện sinh sống và luyện tập, bị đe dọa, đánh đập, quấy rối tình dục, bắt nạt… từ đó khiến họ bị tổn thương từ tâm lý đến thể chất.

 

B.A.P là một trong những nhóm nhạc từng đệ đơn kiện công ty quản lý do không trả lương đầy đủ và lạm dụng sức lao động của nhóm.

Việc các thực tập sinh không được đào tạo bất cứ điều gì về hát, nhảy nhưng vẫn phải trả những khoản nợ vô lý cũng đang là vấn đề vô cùng nhức nhối trong nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Ngoài ra, nếu có ý định rời đi, khoản tiền bồi thường do chấm dứt hợp đồng lên đến cả trăm triệu Won chính là lý do giữ chân các trainee này tiếp tục ở lại dù liên tục bị lạm dụng và đối xử tệ.

 

Có thể thấy, đằng sau ánh hào quang rực rỡ là những chông gai và cạm bẫy mà các thần tượng phải đối mặt để theo đuổi con đường mà mình mơ ước. Cũng bởi tính cạnh tranh khốc liệt trong các cuộc thi thử giọng, không phải ai cũng có thể gia nhập được vào các công ty giải trí lớn – môi trường phát triển an toàn cho các thực tập sinh. Sau sự can thiệp của Chính phủ, công chúng mong rằng những hiện trạng đen tối như trên sẽ được hạn chế.