Trang chủ Tin tức Cocktails âm nhạc Hãng Disney đã ăn nên làm ra ở mảng âm nhạc trực...

Hãng Disney đã ăn nên làm ra ở mảng âm nhạc trực tuyến và thị trường album như thế nào?

Thảo

Chỉ cần thử gọi tên một ca khúc nhạc phim hoạt hình nào đó mà mình yêu thích, không quá bất ngờ khi đa số các bản nhạc ấy đều đến từ một bộ phim của hãng Disney. Trong thị trường giải trí cũng như âm nhạc dành cho lứa tuổi thiếu nhi, dường như không ai có khả năng đánh bại được “ông lớn” này.

 

Chỉ trong những năm gần đây, Disney mới chịu “nhường ngôi” ở mảng nghe nhạc thiếu nhi trực tuyến theo yêu cầu (on-demand stream) cho các bản hit đình đám như “Baby Shark” của hãng Pink Fong, “I Am A Gummy Bear” của Gummibär hay “Despacito”. Tuy nhiên, các ca khúc còn lại trên BXH các ca khúc thiếu nhi được nghe trực tuyến nhiều nhất qua từng năm gần như tất cả đều được ra đời từ hãng này.

 

Tuy sở hữu nhiều ca khúc thiếu nhi được nghe trực tuyến trong nhiều năm, Disney vẫn chưa có ca khúc nào vượt qua được “Baby Shark” trong những năm gần đây.

Xét về việc đi đường dài, vẫn chưa có công ty nào đủ khả năng vượt qua được cơ ngơi của ngài Walt Disney. Trong top 200 ca khúc dành cho trẻ em được nghe trực tuyến nhiều nhất năm 2019, có đến 85 bài nhạc thuộc sở hữu của nhà “chuột”. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Disney đã chiếm đến 52,63% thị trường nhạc thiếu thi. Để làm nên được thành công ấy không thể không kể đến sức hút của những bộ phim đình đám như hai phần “Frozen”, chuỗi phim “Descendants”, “High School Musical”, “Coco”, “Moana”…

 

Theo thống kê của Nielsen Music kể từ năm 1992 đến nay, trong số 25 album nhạc dành cho độ tuổi thiếu nhi có doanh thu cao nhất thì có đến 20 album được sản xuất bởi hãng Disney. Đặc biệt, toàn bộ 4 vị trí cao nhất BXH đều là những đĩa nhạc đóng mác “Walt Disney”. Trong đó, album nhạc phim của “Lion King” phát hành vào năm 1994 dẫn đầu danh sách với 10,1 triệu bản được tiêu thụ, bỏ xa vị trí á quân với doanh số gấp đôi. Các đĩa nhạc được bán ra nhiều nhất của Disney được phát hành vào năm 2009 trở về trước. Trong khi đó, nhạc phim “Frozen” là sản phẩm mới nhất của hãng lọt vào danh sách này.

 

Nhạc phim của bộ phim hoạt hình “Lion King” là album nhạc thiếu nhi có doanh số cao nhất kế từ năm 1992 đến nay.

Disney đã trở thành tên tuổi có thế lực trong các hãng độc lập một phần nhờ vào sự hợp nhất của các công ty âm nhạc lớn khoảng một thập kỷ trước. Trước thời kì đầu những năm 1990 và giai đoạn hình thành các nhà phân phối thuộc trung ương cho các hãng độc lập, các công ty lớn đã dựa vào một số nhà phân phối khu vực để đưa âm nhạc của họ vào các cửa hàng bán nhạc và các nhà bán lẻ khác. Nhưng khi sáu công ty âm nhạc (Warner Music Group, EMI, Sony Music, BMG, Universal Music Group, PolyGram) hợp nhất thành ba tập đoàn lớn (Universal Music Group, Sony Music Entertainment, Warner Music Group) từ năm 1999 đến 2012, họ đã xây dựng các đường dây phân phối riêng và xoá bỏ các mạng lưới khu vực này.

 

Các bản nhạc từ hãng Disney từng là những sản phẩm được tin cậy bởi những tay bán hàng trong thị trường ngách cho các nhà phân phối của hãng trong những năm 1970s và 1980s. Nhưng sau một thời gian ngắn tự phân phối nhạc của mình, “gã khổng lồ” của ngành giải trí này đã trao dây cương của mình cho Universal Music Group (UMG). Lúc bấy giờ, UMG cũng là nhà phân phối cho tập đoàn âm nhạc Concord – chủ sở hữu của thương hiệu Kidz Bop và công ty nắm giữ thị phần lớn thứ hai trong thị trường âm nhạc cho trẻ em từ năm 2016 đến năm 2019.