Nếu không biết nhiều về K-Pop, một bộ phận khán giả sẽ cho rằng thị trường âm nhạc này chỉ sản xuất ra được những ca khúc nhí nhảnh, dễ thương xoay quanh đề tài duy nhất là tình yêu đôi lứa. Thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều những nội dung khác nhau được các nghệ sĩ xứ sở kim chi truyền tải qua sản phẩm của mình, một trong những số đó là câu chuyện về nữ quyền.
Một trong những điểm dễ nhận thấy khi nhìn vào nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đó là sự tồn tại đến mức phổ biến của các nhóm nhạc. Nếu như ở thời kỳ đầu tiên của làn sóng Hallyu (1999-2005), các nhóm nam tương đối áp đảo với nhiều cái tên nổi tiếng như H.O.T, Seo Taji and Boy, Shinhwa, … Sang đến giai đoạn tiếp theo, công chúng tiếp tục chứng kiến sự thống trị của những boygroup như TVXQ, Big Bang, Super Junior.
Tuy nhiên ngay tại giai đoạn này, các nhóm nhạc nữ đã xuất hiện nhiều hơn, báo hiệu một thời đại mang tên girlgroup. Mặc dù ở thời điểm Wonder Girl ra mắt, khái niệm nữ quyền tại K-Pop chưa được nhắc đến rõ ràng, nhưng vẫn có 1 sự manh nha cho thấy đây là thời điểm “vùng dậy” của phái yếu trên bản đồ âm nhạc xứ sở kim chi. Và rồi SNSD xuất hiện, chính thức đánh dấu hơn một thập kỷ làm mưa làm gió của những nhóm nhạc nữ.
Sự mở đường mang tên SNSD – “Thời đại thiếu nữ”
Ngay từ ý nghĩa cái tên của mình, Girls’ Generation trong tiếng Anh hay 소녀시대 trong tiếng Hàn đều được hiểu là “Thời đại Thiếu nữ”. Thông điệp mà SNSD mang tới từ tên gọi của nhóm đó là thế hệ thống trị của các cô gái đã đến, và quả thật trong suốt hơn 10 năm sự nghiệp của mình, girlgroup nhà SM đã nhiều lần chứng minh đẳng cấp và sức mạnh áp đảo ngay cả đối với những boygroup đình đám.

Nhiều người dường như sẽ khó có thể tìm thấy sự liên quan trong phong cách của SNSD ở thời kỳ đầu với sự nữ quyền, khi nhóm vẫn giữ concept trong sáng, đáng yêu như đại đa số các nhóm nhạc nữ. Phải đến thời điểm kể từ năm 2009 trở về sau, các cô gái mới có bước chuyển mình rõ ràng để thể hiện đúng ý nghĩa tên gọi SNSD. Concept trong từng sản phẩm được phát hành tại thời điểm này bắt đầu đưa khán giả hình dung về nhóm như đại diện nổi bật nhất của phái đẹp trong nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc.
Với “The Boys” phát hành vào năm 2011, SNSD là tạo nên một cơn chấn động mạnh mẽ tại K-Pop khi hóa thân thành nữ thần trong sản phẩm. Phong cách được hòa trộn giữa chất liệu cổ tích và âm hưởng huyền thoại đã giúp bản hit này trở thành một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của các cô gái. Sự mạnh mẽ được thể hiện trong cả nội dung ca khúc với việc lặp lại câu hát “Girls bring the boys out” tôn vinh sức hút và vai trò của người phụ nữ.
MV “The Boys” của SNSD.
Trong suốt sự nghiệp của mình, đề tài nữ quyền đã nhiều lần được SNSD “lăng xê”. Các ca khúc của nhóm đều thấp thoáng đâu đó những ẩn ý về sức mạnh của người phụ nữ. Nếu như “Run Devil Run”, “Hoot” hay “You Think” thể hiện sự tấn công trực diện thì những ca khúc “Tell Me Your Wish”, “Mr Mr” hay “Lion Heart” kín đáo và nhẹ nhàng hơn.
Việc SNSD được mệnh danh là “Nhóm nhạc quốc dân” cũng đã cho thấy các cô gái có vị trí như thế nào đối với nền công nghiệp giải trí K-Pop. Tính đến nay, đây vẫn là nhóm nhạc nữ đầu tiên và duy nhất từng chiến thắng hạng mục Album của năm tại Golden Disk Award, giải thưởng được gọi là Grammy của Hàn Quốc. Việc một girlgroup được xướng tên tại hạng mục vốn là sân chơi của các boygroup là minh chứng rõ rệt nhất cho sức mạnh của các “Thiếu nữ Thời đại”.
“Girl crush” và sự phát triển của nữ quyền tại K-Pop
Có thể thấy từ khi SNSD ra đời, hàng loạt nhóm nhạc nữ khác cũng xuất hiện và ngày càng nhiều hơn tại K-Pop. Có những thời điểm, số lượng các girlgroup nổi tiếng thậm chí còn được công chúng biết đến nhiều hơn các nhóm nhạc nam. Giai đoạn 2009-2010 là thời điểm có rất nhiều nhóm nữ debut như 2NE1, Miss A, 4minute, T-Ara, SISTAR, Girl’s Day, Apink, …
Trong số đó, có 2 concept nổi trội được các nhóm nhạc nữ sử dụng ở thời điểm này. Thứ nhất là phong cách quyến rũ, ví dụ như SISTAR, Girl’s Day. Thứ hai là girl crush, bắt đầu từ 2NE1 đến Miss A, 4minute, …. Girl crush được người hâm mộ giải nghĩa một cách dễ hiểu là “chị đại”, tức thể hiện sự cá tính, mạnh mẽ và khí chất khảng khái vốn được gắn với các nhóm nam nhiều hơn.

Đơn cử như 2NE1, nhóm đã từng vấp phải không ít tranh cãi khi sở hữu ngoại hình kém lung linh, thời trang khác thường, phá vỡ những chuẩn mực máy móc, rập khuôn mà công chúng áp đặt cho các nhóm nhạc nữ. Hình tượng của 2NE1 có ảnh hưởng không nhỏ đến các nhóm nhạc ra mắt về sau, tuy nhiên ở 4minute hay Miss A, họ đã khéo léo hòa trộn chất nữ tính của mình vào để phù hợp với thị hiếu khán giả, nhưng không đánh mất đi sự mạnh mẽ.
Cho dù đã tan rã, nhưng khi nhắc đến khái niệm nữ quyền, Miss A vẫn là một cái tên sáng chói. Ngay từ ca khúc debut “Bad Girl Good Girl”, bộ tứ nhà JYP đã khiến công chúng ấn tượng bởi sự mạnh mẽ được thể hiện qua nội dung ca khúc. Hay với “I Don’t Need A Man”, chỉ cái tựa đề cũng đã cho thấy sự hiện diện quá rõ ràng của quyền lực người phụ nữ, đó là thể làm mọi thứ, sở hữu những gì mình thích mà không cần đến bất cứ người đàn ông nào.
MV “I Don’t Need A Man” của Miss A.
Ở giai đoạn này, âm nhạc của các nhóm nhạc nữ đã trở thành đại diện tiêu biểu cho thị hiếu của công chúng. Sức mạnh của các nhóm nhạc nam thể hiện trong lĩnh vực album, và sân chơi đĩa cứng từ nhiều năm qua luôn gọi tên các boygroup. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ đĩa phải dựa vào fandom, tức phải có đông người hâm mộ. Thành tích nhạc số phụ thuộc vào công chúng, và đó chính là thế mạnh của các nhóm nhạc nữ. Trong danh sách những nhóm nhạc nhận được chứng nhận All kill hay Perfect All kill, sự hiện diện của các girlgroup luôn nhiều hơn (Tất nhiên sẽ vẫn có những nhóm nữ cân bằng được cả 2 yếu tố như SNSD, TWICE).
Sự kế thừa của thế hệ girlgroup đàn em
Khi thời hoàng kim của Gen 2 qua đi, người ta chứng kiến một cuộc thay máu dữ dội tại K-Pop. Giữa bối cảnh đó, hàng loạt các nhóm nhạc nữ tan rã và đóng băng hoạt động, chỉ 1 số ít còn tồn tại nhưng cũng chịu không ít sự chật vật. Thế nhưng một loạt những nhóm nhạc nữ khác đã ra đời và kế thừa phong cách, âm nhạc mang sức mạnh của phái đẹp từ đàn chị. TWICE, Red Velvet hay Black Pink, (G)I-DLE, CLC là những đại diện rõ rệt cho khái niệm nữ quyền trong số các girlgroup thế hệ thứ 3.

Sẽ có ý kiến cho rằng thật khập khiễng khi đưa TWICE vào danh sách nói trên vì đến hiện tại, các cô gái vẫn trung thành với nét nữ tính, đáng yêu của mình. Nhưng chúng ta không phủ nhận được loạt thành tích của nhóm trên mặt trận nhạc số, lượng bán album đầy mơ ước ngay cả với các nhóm nhạc nam. Gần như từ khi phất lên nhờ siêu hit “Cheer Up”, trong tất cả các mà tái xuất của nhóm, 9 cô gái nhà JYP chưa bao giờ chịu thua các nhóm nhạc nam trong việc giành cúp. Và số lượng giải daesang mà nhóm nhận được tính đến thời điểm này đã nhiều nhất trong số các nhóm nhạc nữ, ngang hàng với các nhóm nhạc nam
Về phía Black Pink hay (G)I-DLE, CLC, đây là những nhóm nhạc có thể nói thừa hưởng một cách hoàn hảo nhất phong cách girl crush của thời kỳ trước. Black Pink dù được kỳ vọng sẽ trở thành một 2NE1 thứ 2, nhưng những khác biệt về ngoại hình, thời trang theo hướng nữ tính hơn đã tạo nên đặc trung cho nhóm khi so sánh với đàn chị.
MV “No” của CLC.
Gần đây nhất trong những ngày đầu năm 2019, CLC đã tái xuất với “No”. Đĩa đơn cùng MV này có thể nói mang đậm chất nữ quyền nhất cả về hình ảnh và âm nhạc. Thông điệp về sự từ chối các thứ vật chất như nhẫn, son môi, tiền bạc và không muốn đóng khung mình trong một màu sắc đơn lẻ nào đã tạo nên dấu ấn vô cùng sắc sảo cho các cô gái nhà Cube.
Bắt đầu từ SNSD, đến những girlgroup thế hệ 2 và sự kế thừa trọn vẹn của những nhóm nhạc xu hướng hiện nay, có thể thấy câu chuyện nữ quyền tại K-Pop sẽ không chỉ bị giới hạn trong khoảng thời gian 10 năm. Sự sáng tạo và cố gắng không ngừng của các girlgroup trong cuộc chiến cạnh tranh với các boygroup sẽ thúc đẩy và tạo nên những bước ngoặt cho thời đại thiếu nữ tiếp tục được phát triển, càng đi xa và càng lâu dài hơn.