Người này khẳng định anh mới chính là người đã tạo ra hình vẽ đặc trưng của ban nhạc huyền thoại chứ không phải là giọng ca chính của Nirvana.
Vào ngày 13/9, một nhà thiết kế đồ hoạ tên là Robert Fisher đã đệ đơn kiện nhằm tuyên bố rằng mình mới chính là người sáng tạo ra cũng như là chủ sở hữu hợp pháp cho bản thiết kế logo của Nirvana. Hình ảnh này đã được công chúng biết đến như là biểu tượng đại diện cho ban nhạc huyền thoại trong nhiều thập kỉ.

Ông Inge De Bruyn – đại diện pháp lý của Fisher cho biết gần đây anh ta mới biết rằng Nirvana đã chỉ định một cách sai lầm rằng hình ảnh đó là của Kurt Cobain. “Anh ta cũng không biết rằng vào năm 1993 công ty của Nirvana đã đăng ký bản quyền cho mẫu thiết kế áo phông Happy Face. Robert luôn là một người khá kín tiếng và không phải kiểu người hay cởi mở khoe thành quả của mình cho mọi người biết… Các nghệ sĩ sáng tạo xứng đáng được ghi công cho tác phẩm của họ. Thông thường, đó là tất cả những gì họ nhận được”.
Theo De Bruyn, ông cho rằng quy tắc trong bản quyền là cá nhân người tạo ra một tác phẩm phải được coi là tác giả cũng như chủ sở hữu ban đầu của nó. Và nếu Robert Fisher không khẳng định quyền của mình ngay bây giờ, anh ấy có nguy cơ sẽ mất chúng mãi mãi. Trong các tài liệu đã nộp cho toà án, Fisher cho biết anh đã đảm nhiệm vị trí giám đốc nghệ thuật tại hãng thu âm Geffen Records khi biết rằng Geffen định kí kết với Nirvana.

Lúc đó, do ngưỡng mộ ban nhạc nên Robert Fisher đã hỏi ý giám đốc sáng tạo của hãng để tìm cơ hội được làm việc với họ cho mẫu thiết kế album kế tiếp. Sau đó, anh đã có vài tháng bắt tay với Nirvana cũng như Kurt Cobain cho bìa album “Nevermind” (1991), và trở thành “người Nirvana nghĩ đến đầu tiên cho hầu hết nhu cầu thiết kế đồ hoạ của họ”. Robert cũng khẳng định anh đã nhận được một yêu cầu thiết kế cho mẫu áo phông của ban nhạc vào giữa năm 1991 khi “bắt đầu thử nghiệm cái kiểu mặt cười khác nhau mà anh từng vẽ vào năm cuối học tại Đại học Otis”.
Sau khi miêu tả chi tiết quá trình sáng tạo nên hình vẽ mặt cười, Robert Fisher cho biết mẫu thiết kế của anh giống chính xác với những gì mà công ty của Nirvana đã nộp cho văn phòng đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ là một nhân viên thực sự của công ty này cũng như là chưa bao giờ có một thoả thuận với ban nhạc về việc này. Vì thế, Robert khẳng định hình vẽ của anh là một tác phẩm chứ không thể được xem là thứ được tạo ra như một phần công việc được thuê.

Cho đến hiện tại, luật sư Bert H. Deixler đại diện cho công ty của Nirvana đã lên tiếng cho rằng lời khẳng định của Robert Fisher là “vô căn cứ về mặt thực tế và pháp lý” và những tuyên bố của anh ta sẽ bị phản đối “quyết liệt”. Trong khi đó, đại diện của ban nhạc Nirvana từ chối đưa ra bình luận về việc này.