Trang chủ Tin tức Cocktails âm nhạc Ngành công nghiệp âm nhạc và những cuộc đấu tranh của các...

Ngành công nghiệp âm nhạc và những cuộc đấu tranh của các nghệ sĩ

YANG

Bằng nhiều cách khác nhau, các nghệ sĩ đã cùng nhau lên tiếng cũng như hành động nhằm phản đối những bất công đang tồn tại suốt nhiều năm liền trong ngành công nghiệp âm nhạc và để bảo vệ lợi ích cho cộng đồng người làm nghệ thuật. 

 

Cách đây vài ngày, ca/ nhạc sĩ Lauryn Hill vừa chia sẻ lên trang Instagram cá nhân một bài đăng kêu gọi các nhà lập pháp ở bang California thông qua đạo luật FAIR (Free Artists from Industry Restrictions Act) mà ủy viên hội đồng lập pháp Lorena Gonzalez đã đưa ra từ năm ngoái. Trong đó, đạo luật này bày tỏ mong muốn cơ quan có thẩm quyền thay đổi thời hạn hợp đồng thu âm giữa nghệ sĩ và các hãng thu âm tại California, cụ thể là 7 năm.

 

Lauryn Hill
Nữ nghệ sĩ Lauryn Hill mong muốn các nhà lập pháp bang California thông qua đạo luật FAIR để nghệ sĩ không chịu bất công vì những bản hợp đồng thu âm dài hơi.

Bài đăng trên MXH của Lauryn Hill bày tỏ quan điểm: “Phải có luật để bảo vệ tất cả mọi người khỏi các hành vi hà khắc và thiếu tế nhị như đàn áp, phá hoại hoặc bỏ mặc nghệ sĩ có chủ đích. Họ có thể dễ dàng trở thành con mồi trong nội bộ doanh nghiệp, một người nào đó chỉ đơn giản là không thích hoặc bắt nạt, đe dọa và các cuộc tấn công sẽ xảy ra khi ai đó chống lại sự ép buộc ấy“. Giọng ca gạo cội chỉ ra rằng những thành phần trên có thể “phá hỏng mong muốn sáng tạo của những người trẻ tuổi“, đồng thời khẳng định không thể để bất kỳ tổ chức nào “điều khiển thị trường bằng cách kiểm soát lợi nhuận của các sáng tạo nghệ thuật trong một khoảng thời gian vô lý và không có giới hạn nào đó“.

 

Động thái của Lauryn Hill đã cho khán giả nhìn thấy điểm hạn chế cũng như ràng buộc mà nghệ sĩ phải gánh chịu sau khi đặt bút kí kết những bản hợp đồng độc quyền kéo dài nhiều năm với các hãng thu âm. Đây cũng là một trong những điểm bất công vẫn đang tồn tại trong ngành công nghiệp âm nhạc ngày nay. Lời kêu gọi nhà lập pháp thông qua đạo luật FAIR là cách cô đứng về phía quyền lợi nghệ sĩ cũng bảo vệ bản thân mình.

 

Celine Dion
Diva Celine Dion sẵn sàng kí tên vào bức thư kiến nghị gửi tới chính phủ Canada yêu cầu thay đổi Luật bản quyền để mang đến nhiều lợi ích hơn cho nghệ sĩ và gia đình họ.

Thực tế rằng trong những năm gần đây, ngày càng nhiều nhạc sĩ, ca sĩ, nhà soạn nhạc hay nhà sản xuất đình đám đã sẵn sàng lên tiếng chỉ ra nhiều mặt trái hay những quy định không phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng nghệ sĩ. Trước Lauryn Hill, Celine Dion, Neil Young, Drake, Shawn Mendes, Avril Lavigne, Geddy Lee, Joni Mitchell… đã từng cùng nhau ký vào một bức thư kiến ​​nghị gửi tới chính phủ Canada với mong muốn thay đổi Luật bản quyền nhằm mang lại thêm lợi ích cho các nhà sáng tạo và gia đình của họ.

 

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất trong thời gian qua có lẽ là những bức xúc trước số tiền bản quyền quá thấp mà các nền tảng phát trực tuyến đang chi trả. Từ việc hàng trăm nhạc sĩ viết thư gửi đến các hãng thu âm cho đến tổ chức các cuộc biểu tình trước trụ sở Spotify, nghệ sĩ đang nỗ lực hết mình để có cơ hội nhận về lợi nhuận xứng đáng từ chính những tác phẩm mình tạo ra. Một số tên tuổi lớn tại làng nhạc thậm chí còn cứng rắn hơn khi quyết định gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm âm nhạc của mình ra khỏi dịch vụ phát trực tuyến. Đơn cử như Kanye West và Snoop Dogg cũng tuyên bố phát hành sản phẩm thông qua một ứng dụng độc lập thay vì các nền tảng nghe nhạc hiện nay.

 

Kanye West
Thay vì các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, Kanye West quyết định phát hành album “DONDA 2” thông qua nền tảng của riêng mình.

Những cuộc đấu tranh của nghệ sĩ trong suốt thời gian qua đều nhận được rất nhiều sự chú ý, đặc biệt hơn cả là thái độ ủng hộ từ phía cộng đồng người hâm mộ. Hiện tại, họ vẫn đang tích cực lên tiếng và tiếp tục chờ đợi những thay đổi tích cực từ ngành công nghiệp âm nhạc.