Nếu như bài phỏng vấn này được ví như một cuộn băng tua ngược lại để xem năm 2022 của onionn. như thế nào thì… không có đâu. Bởi thành công của onionn. ở năm 2022 thì ai cũng biết rồi, hình ảnh được Làn Sóng Xanh vinh danh trên Facebook cũng nhiều.
Ở đây chỉ có vài câu chuyện không đầu không cuối và đôi khi không đâu vào đâu, ví dụ “o” viết hoa hay thường cũng được nhưng nên có dấu chấm, hoặc như kể tên 10 nghệ sĩ UK đương đại đi… kiểu thế. Nhưng tựu chung thì cũng có thông tin vui và thú vị nếu bạn muốn tìm hiểu onionn. dạo này đang nghĩ gì.
Chúng ta có nên bắt đầu buổi phỏng vấn bằng chính câu chuyện đằng sau cái tên onionn. cũng như producer tag “good boy” trong mỗi bài nhạc?
Tôi nhớ vào khoảng năm 2011 lúc mới bắt đầu làm nhạc tôi có tìm cho mình một cái tên. Hồi xưa học cấp hai ở Singapore các bạn hay gọi tôi là onion giống như một nickname. Tuy nhiên về google thử thì ra toàn hành tây nên tôi mới tìm cách làm cho nó trở nên ngầu hơn mà cũng phải dễ tìm kiếm trên mạng nữa. Thế là mới thêm chữ “n” với dấu chấm. Bây giờ thì dễ tìm hơn rồi nhưng thi thoảng khi gõ “onion” nó vẫn hiện lên củ hành tây nếu không có dấu chấm. Ban đầu khi đặt tên tôi cũng không viết hoa tất cả các kí tự. Bây giờ chữ “o” to hay nhỏ đều được nhưng quan trọng phải có thêm chữ “n” và dấu chấm nhé (cười).
Còn producer tag có từ hồi tôi làm nhạc đăng trên soundclound. Thật ra tôi cũng từng làm một bài nhạc tên là “good boy” luôn, trong đó có phần vocal đấy cứ lặp đi lặp lại. Nhưng về sau nghe lại tự tôi thấy chán. Thế là tôi hỏi marzuz là “bây giờ em có thể đọc cho anh một cái tag khác nghe thật “cool” được không?“. Ok, thế là đọc, xong rồi có. Mà tôi cũng thuộc dạng “good boy” đấy. Ít nhất là trong thời gian làm nhạc và được mọi người nhận xét thì tôi thấy mình là người khá lành tính. Tuy nhiên “lành tính” ở đây chỉ nói về tính cách thôi chứ trong âm nhạc tôi vẫn luôn là người thích sự đổi mới liên tục để phù hợp với dòng chảy đương đại cũng như sự trưởng thành của bản thân.
Đổi mới luôn từ vị trí người trả lời phỏng vấn để thành người đi phỏng vấn trong một show gần đây khi người ta thấy onionn. làm host?
Dùng từ “host” thì nghe hơi nặng nề (cười). Ban đầu bên sản xuất chương trình nói rằng họ cần một người hoạt ngôn và có hiểu biết về âm nhạc để phỏng vấn các nghệ sĩ Gen Z. Lúc ấy tôi mới kêu lên là “biết gì đâu mà hỏi” thì ekip bảo cứ làm đi vì có kịch bản cả rồi. Vậy nên tôi làm theo lời mọi người vì nghĩ cũng chẳng có gì to tát. Tuy nhiên cũng có rất nhiều điều thú vị khi làm show đó bởi tôi được tiếp xúc với nhiều bạn Gen Z cũng như gặp những người mình chưa có cơ hội nói chuyện ở bên ngoài. Những lần nghỉ quay để giải lao tôi có thêm thời gian hỏi mấy bạn về vài chuyện bên lề âm nhạc. Lúc đó mới nhận ra thế hệ nghệ sĩ này rất hay và có nhiều điều thú vị. Ví dụ như tlinh từng học Trường chuyên Amsterdam ngoài Hà Nội. Đó là một môi trường rất cạnh tranh vì toàn các bạn học giỏi. Hoặc nói chuyện với Wren Evans thì tôi mới biết bạn đấu tranh như thế nào khi bắt đầu làm nhạc. Mỗi người mỗi môi trường sống như vậy nên cả hai đều có những động cơ riêng để tạo ra thứ âm nhạc mà họ mong muốn. Linh thì hơi nữ quyền còn Wren luôn thử nghiệm, thích khám phá cái mới.
Tôi nhớ MONO cũng là khách mời đầu tiên xuất hiện trong show của onionn. để nói về album “22” mà hai bạn cùng sản xuất. MONO từng chia sẻ rằng nếu không có sự thúc đẩy và khó tính của onionn. thì sẽ không ra mắt sản phẩm này.
Chắc vì trong quá trình làm việc, tôi thường đốc thúc MONO phải làm nhiều thứ. Tôi đưa MONO nghe thử vài thể loại âm nhạc và chia sẻ từ từ cho cậu ấy hiểu chứ không nhất thiết phải nói quá nhiều. Thời điểm bắt tay làm album tôi chỉ mới được nghe trước 2 bài là “Quên Anh Đi” và đoạn intro mở đầu. Lúc đấy tôi gợi ý MONO tại sao không làm luôn một concept album thì cậu ấy hỏi lại đó là gì? Tôi mới bảo concept album là album có concept (cười). Có storyline, có mở bài, thân bài và kết bài. Thật ra concept album không còn quá mới trong thị trường âm nhạc hiện nay. Đây là thứ các nghệ sĩ có chỗ đứng sẽ làm. Ngoài âm nhạc, concept album còn liên quan đến phần hình ảnh hay hình tượng mà nghệ sĩ hướng đến trong thời gian đó. Tuy nhiên đối với thị trường Việt Nam thì cách làm này sẽ gặp một số trở ngại. Đơn cử như chuyện đi tour giống các nghệ sĩ nước ngoài để tối ưu hóa sản phẩm của mình chẳng hạn.
Đối với một nghệ sĩ trẻ như MONO thì quyết định làm album vốn đã khó khăn chứ chưa nói đến việc làm sao để nó ra chất. MONO là một nghệ sĩ trình diễn, vậy việc định hình màu sắc âm nhạc cho album như thế nào? Sắp xếp đường dây bài hát ra sao, vì sao phải chọn thể loại nhạc này, vì sao cần xử lý bài hát theo cách kia, vì sao phải có interlude? Rất nhiều thứ. Tôi nghĩ, trong khoảng 3 đến 5 năm nữa khi MONO nghe đủ nhiều và có đủ trải nghiệm thì lúc đó cậu ấy có thể trở thành một nhà sản xuất. Bởi đôi khi nhà sản xuất hay đồng sản xuất không nhất thiết phải là nghệ sĩ phối khí nhưng họ cần là người tưởng tượng ra được tần số của album đấy như thế nào. Bên Hàn có một nhóm nhạc nữ tôi đang rất thích là NewJeans. Tôi biết là producer của nhóm có xuất phát điểm từ một Giám đốc sáng tạo về hình ảnh. Tuy nhiên người ta cũng có sự am hiểu nhất định về âm nhạc.
Ở khía cạnh một nhà sản xuất âm nhạc, onionn. cảm thấy ưng ý nhất điều gì ở “22” sau khi album này phát hành?
Trước khi ra mắt, chúng tôi đã gửi album “22” cho đối tác phát hành cũng như rất nhiều người khác kể cả các thành viên làm trong dự án nội bộ để họ nghe thử. Mọi người đều bảo “sao khó nghe thế?”. Nhận được những phản hồi như thế tôi lại càng quyết tâm phải phát hành sản phẩm này ra công chúng cho bằng được. Tôi chỉ nghĩ rằng có lẽ mọi người không nghe nhiều như tôi hoặc không nghe những thứ âm nhạc giống tôi và cũng chẳng trách họ vì đó đều là những cảm nhận chủ quan. May mắn là khán giả không chỉ đón nhận một bài hát mà còn dành tình yêu cho nhiều sáng tác khác trong album nữa. Dù có nhiều thứ tôi phải đấu tranh trong quá trình sản xuất nhưng cuối cùng tôi cảm thấy rất vui khi vẫn được làm những thứ bản thân mong muốn, được thử nghiệm và hạnh phúc nhất là có nhiều người lắng nghe mình.
Tôi lựa chọn vào album “22” một số chất liệu âm nhạc đã từng là xu hướng, sẽ trở thành xu hướng hoặc có chút gì đấy thử nghiệm như Trap, R&B, Reggaeton, Synthwave hay một tí Retro. Người ta có thể sẽ chọn một chất liệu có từ năm 1980 rồi làm lại y chang, còn tôi thì không thích như thế bởi vì nó không còn mới nữa. Ví dụ bài “Anh Không Thể” trong album thuộc thể loại Trap kết hợp R&B nhưng tempo lại siêu chậm, rồi đột nhiên tôi chuyển sang một đoạn khác có màu Drill. Vốn dĩ dòng nhạc này người ta thường chơi rap nhưng MONO thì lại hát. Tôi muốn khi giới thiệu một ca khúc ra thị trường, khán giả vẫn có thể nhận ra chất liệu âm nhạc ấy nhưng bản thân mình phải làm theo một hướng nào đó khác biệt để không giống với những người ngoài kia. Một ví dụ khác là album “Dawn FM” của The Weenknd. Khi nghe tôi nhận ra có Daft Punk hay City Pop ở trong đó nhưng cách anh ấy truyền tải hay cách hát lại gợi nhắc đến Michael Jackson. Mà thực tế lúc Michael Jackson còn sống ông ấy đâu có sử dụng những chất liệu âm nhạc ấy. Vậy đấy. Bản thân tôi rất cảm ơn MONO vì đã lắng nghe và chịu chơi cùng.
Album “22” là một trong những sản phẩm nổi bật của Vpop trong năm qua. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận rằng 2022 cũng là năm mà nhiều nghệ sĩ khác ồ ạt comeback với loạt dự án chất lượng.
Hình như mọi người đều đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả nhưng chỉ là đang chờ đợi thời điểm thích hợp để “nổ súng” thôi. Tôi thấy năm vừa rồi nhiều nghệ sĩ cũng bắt đầu chú trọng vào việc làm concept album. Một trong những người làm concept album thành công về mặt thương mại chính là chị Hoàng Thùy Linh. Yếu tố về mặt chất liệu âm nhạc, concept, hình ảnh trong sản phẩm ấn tượng đến mức những người Việt Nam đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài phải đặt ra vấn đề là liệu Hoàng Thùy Linh có đang chiếm dụng văn hóa hay không? Tuy nhiên điều này đã chứng minh rằng dự án thực sự quá thành công. “CONG” của Tóc Tiên cũng là một concept album. Bên cạnh đó, album của Vũ. hay Thịnh Suy cũng là những sản phẩm đạt những thành công nhất định. Riêng Thịnh Suy là một trong số ít các bạn nghệ sĩ mà bản thân tôi cảm nhận được năng lượng cũng như cảm thấy “relax” với một số câu chuyện mà cậu ấy kể. Ngoài ra cũng có những gương mặt hay ho như MONO, tlinh, Wren Evans hay MCK.
Một thống kê cho thấy mỗi ngày có khoảng 2 đến 3 bài hát chuẩn bị có thể được phát hành tới khán giả Việt. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng các nghệ sĩ trẻ bây giờ như nấm mọc sau mưa. onionn. nghĩ sao về dòng chảy âm nhạc hiện nay?
Thật ra cách đây mấy năm, việc các nhà phát hành thường có xu hướng kí hợp đồng mua đứt một bài hát cũng phần nào đó khiến tốc độ ra mắt sản phẩm âm nhạc của các bạn trẻ trở nên nhanh hơn nhiều. Sau đó mọi thứ từ từ chững lại vì thực tế một số bạn nghệ sĩ đến với công việc làm nhạc với những mục đích khác nhau. Có thể là họ cần gì đó để trang trải cho cuộc sống hằng ngày nên không còn lựa chọn nào khác. Vậy nên họ chấp nhận làm xong một bài nhạc rồi bán đứt luôn. Để rồi đến một lúc họ tự hỏi rằng “cuối cùng trong thời gian vừa qua mình đang làm gì vậy?”.
Còn việc các nghệ sĩ trẻ mọc lên như nấm sau mưa thì tôi cho rằng họ đều là những gương mặt được truyền thông quan tâm hoặc có sức định vị tại Vpop. Tuy nhiên đó chỉ là thứ khán giả nhìn thấy ở bên trên bề mặt vì thực chất còn biết bao nhiêu người khác nữa mà mọi người chưa có cơ hội biết đến. Tôi nghĩ số lượng nghệ sĩ trẻ sinh năm 97, 98 hay 99 đổ đi nên xuất hiện nhiều hơn nữa bởi vì điều này rất cần thiết cho thị trường âm nhạc. Bây giờ nhiều hãng thu âm từ nước ngoài cũng đã bắt đầu tiến vào thị trường Việt Nam để tìm kiếm những cái tên trẻ, mang đến cho họ cơ hội phát triển hoặc chắp cánh được cho ước mơ của các bạn. Song song đấy cũng vẫn có những công ty giải trí hay hãng thu âm Việt Nam để cùng nhau duy trì sự cân bằng. Tựu chung tôi thấy thị trường âm nhạc trong nước đang khởi sắc đấy chứ.
Trong số đó sẽ không thể thiếu MaiĐào Nation nhỉ?
Từ lúc bắt đầu làm nhạc, thay vì một nơi dành cho bản thân thì tôi luôn mong muốn có một nơi nào đó có thể tập hợp những người có nguồn năng lượng giống nhau. Thú thật là trong khoảng thời gian đầu khi mới tách ra mở công ty riêng tôi gặp một chút khó khăn vì có nhiều thứ bản thân vẫn chưa hiểu như việc quản trị, chuyện giấy tờ hay những vấn đề sở hữu trí tuệ. Ngay cả tên công ty, tôi cũng không nghĩ mình sẽ bắt đầu với cái tên kiểu như MaiĐào. Tôi chỉ biết là mình cần một cái tên nghe rất Việt Nam, vào tai tất cả mọi người nhưng phải dễ phát âm với người nước ngoài, chấm hết. Thì đấy, cuối cùng tôi tìm được cho công ty một cái tên hợp lý.
Bạn có những suy nghĩ như thế nào khi cho rằng nó phải là cái tên “nghe rất Việt Nam”?
Thì thế này, tôi thấy nó cũng tương tự như mọi người hay nói cụm từ “nhạc giống US/UK”. Bây giờ mình nói về UK đi, bạn kể tên 10 nghệ sĩ UK đương đại đi? Cụ thể như dòng nhạc kiểu Urban thì ngoài Dua Lipa, Ed Sheeran, Adele… thì còn ai nữa? Hay như nhạc điện tử, những tên tuổi đình đám mà người Việt hay nghe có thể kể đến là Hardwell, Steve Angello và Swedish House Mafia cũng đâu phải US/UK? Là Disclosure, là Skrillex chứ. Kiểu tôi thấy, tôi không thích từ US/UK lắm. Kiểu như đó là một cụm từ thường được nhắc tới trong một cuộc tranh cãi nào đấy.
Trở ngược lại, tôi nghĩ đây cũng là một câu hỏi rất hay về tính Việt Nam ở trong một sản phẩm. Tôi nghĩ đơn giản là hình thái âm nhạc với những thứ tôi muốn làm, nó chính là cái bánh mì. Tôi là một nhà sản xuất âm nhạc, tôi sẽ nhìn vào thành phẩm và bóc tách các nguyên liệu để xem nó được cấu thành thế nào. Nhắc đến Việt Nam là mọi người nghĩ đến bánh mì cũng giống như người ta nghĩ đến kim chi và “Gangnam Style” khi nói tới Hàn Quốc thôi. Đó là những câu chuyện tương đồng với nhau.
Tôi tò mò không biết sẽ có những nguyên liệu gì trong “ổ bánh mì âm nhạc” của bạn?
Tôi nghĩ rằng trong 3 năm tới tôi sẽ trả lời được câu hỏi này vì hiện tại tôi chỉ vừa làm được một album với một nghệ sĩ duy nhất. Điều này không đủ để thể hiện những hình thái âm nhạc mà tôi đang muốn giới thiệu đến công chúng. Chính vì thế tôi cần có một công ty và chiêu mộ thêm nhiều nghệ sĩ khác nữa. Không phải 1 mà là 3 đến 4 nghệ sĩ cơ. Lúc đấy mọi thứ tôi làm sẽ trở nên rõ ràng hơn. Còn bây giờ chỉ thì như một góc của ổ bánh mì mà thôi. Tôi nghĩ 3 năm để khán giả có thể hình dung ra cái bánh mì của tôi là quãng thời gian rất nhanh đấy chứ.
MaiĐào Nation đã có nghệ sĩ trực thuộc đầu tiên là marzuz. Tại sao là marzuz mà không phải bất kì ai khác?
Không biết nói điều này liệu có hơi thiếu khiêm tốn hay không nhưng đối với marzuz thì tôi cảm thấy rất tự tin. marzuz không phải là nghệ sĩ mới vì bạn ấy đã từng hợp tác và làm việc với tôi trước đây. Thời điểm đấy, khi marzuz ra mắt một số sản phẩm trong cộng đồng thì bạn ấy còn lớn hơn rất nhiều người khác. Thậm chí khi làm nhạc chung tôi còn cảm thấy ghen tị cơ. Nhưng phải thừa nhận rằng marzuz rất tài năng, rất giỏi.
Chắc chắn tôi sẽ làm album cho marzuz. Cụ thể như thế nào thì chưa biết nhưng tôi tin đó sẽ là một trải nghiệm âm nhạc rất thú vị. Chúng tôi sẽ cố gắng mang vào nhiều hình thái khác nhau để làm thành một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Mọi người thường thấy âm nhạc bây giờ chỉ có giai điệu nhưng sẽ thế nào nếu sau này âm nhạc còn có thêm văn xuôi hay thơ? Tôi cảm thấy marzuz có nhiều chất liệu như thế để tạo ra những thứ mới mẻ. Tất nhiên làm album ai mà chẳng mong đạt thành công về mặt thương mại. Vậy bài toán đặt ra bây giờ là phải làm sao để một mũi tên có thể trúng hai đích.
Liệu có một công thức làm nhạc nào để “một mũi tên trúng hai đích” hay không?
Tôi nghĩ có lẽ điều này thường sẽ đúng với một số dòng nhạc nhất định. Đơn cử như Pop Ballad, có nhiều nhạc sĩ quá thành công với dòng nhạc đấy và công thức tạo hit của người ta là Pop Ballad. Họ cũng biết điều đấy và giả dụ họ muốn làm dòng nhạc khác, những thứ mới mẻ hơn thì đôi khi chính họ cũng sẽ mắc kẹt loay hoay. Hay như thời Gen 2 của Kpop, tôi nhận thấy họ cũng có một công thức làm nhạc. Đó là họ chia đoạn trong một bài hát và mỗi đoạn họ sẽ sử dụng một thể loại âm nhạc khác nhau. Một trong những bài đạt tính biểu tượng nhất thời kì đấy là “I Got A Boy” của Girls’ Generation. Thay vì làm album thì họ làm single nhưng họ lấy hết tất cả những gì đương đại nhất ở thời điểm đấy rồi bỏ vào bài, tính thử nghiệm nhiều hơn, visual trông cũng bùng nổ hơn.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh khác, nó cũng sẽ có điều không đúng lắm. Ví dụ tôi sản xuất album này tôi cũng nói được là tôi có công thức đấy. Còn công thức đúng hay không thì đến khi phát hành nếu có doanh số lúc đấy mình nói gì mà người ta chả tin. Đôi khi mình cũng phải nói cái gì đó cho nó ngầu chứ (cười). Đùa cho vui thế thôi chứ riêng về cá nhân mình, tôi cho rằng thực chất là không có công thức gì ở đây cả. Hai yếu tố khi sản xuất âm nhạc chỉ có cảm xúc và kỹ thuật. Còn việc đóng gói sản phẩm, lên kế hoạch phát hành, tìm thời điểm ra mắt… thì lại thuộc khía cạnh khác. Đó là chuyện kinh doanh chứ không phải nghệ thuật.
Bạn có nghe nói đến quy tắc 15 giây chưa? Chỉ cần 15 giây đầu tiên của bài hát không hấp dẫn, người nghe sẽ ngay lập tức bấm nút chuyển bài.
Ngày xưa lúc tôi còn ở ngoài Hà Nội có một kênh gọi là đài truyền hình Hà Nội. Kênh này thường phát những bài nhạc nước ngoài kiểu Indie Rock nhẹ nhẹ. Thời đấy ban nhạc tôi nghe nhiều nhất là Aqua. Ngoài ra còn có Boney M. hay một vài ban nhạc dạng hơi “oldschool” một chút. Không biết đúng hay không nhưng tôi cảm giác lúc đó khi đưa một bài hát lên radio thì người ta cũng đều tính toán cả rồi. Kiểu “bây giờ chúng ta có 3 phút để phát bài này lên radio thì phải làm sao để người ta không chuyển kênh”. Ở thời điểm hiện tại, với sự xuất hiện của TikTok thì điều này cũng xảy ra tương tự như thế thôi. Nếu xem một nội dung mà thấy không hay thì người xem có thể lướt sang một video khác ngay lập tức. Vậy nên tôi nghĩ rằng 15 giây đầu tiên trong một bài nhạc cũng là yếu tố quan trọng để quyết định liệu khán giả có sẵn sàng nghe tiếp hay không? Hoặc trong khoảng thời gian đó nghệ sĩ cấy được điều gì ấn tượng vào đầu người ta?
Tất nhiên cũng có một số ca khúc không đi theo công thức như thế. Nhiều bài hát mở đầu rất lê thê, nghe rất sến nhưng thực tế phần hay nhất lại nằm ở phía sau. Đơn cử như “Em Là” trong album của MONO, bài hát cũng mở đầu bằng một đoạn piano dài, nghe rất Ballad rồi mới đến đoạn “ăn tiền” phía sau. Tôi mà sinh ra ở thời còn phát radio chắc người ta sẽ bảo “sao intro gì mà dài thế?” rồi có khi còn kêu cắt bớt đi đấy chứ.
Có thể nhận ra rằng năm vừa rồi các producer cũng bắt đầu bước ra ánh sáng. Cụ thể là việc tên họ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn ở phần credit của một sản phẩm âm nhạc.
Nói một cách nghiêm túc thì câu chuyện các producer bước ra ánh sáng không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ lâu rồi. Ai là người khởi xướng? Chính là anh Touliver. Anh Touliver làm nhạc, chơi DJ, lên sân khấu biểu diễn rồi sau đó có tên trong phần credit. Việc các nhà sản xuất âm nhạc xuất hiện ở phần credit thể hiện rằng họ cũng là nghệ sĩ biểu diễn ca khúc đó bên cạnh ca sĩ. Trường hợp này thường xảy ra với các nhà sản xuất là DJ, ví dụ như Avicii, David Guetta hay Calvin Harris… Không rõ những nhà sản xuất Việt khác thì như thế nào nhưng mà cá nhân tôi cảm thấy điều này chẳng có gì sai.
Hoặc ví dụ trường hợp tôi và ca sĩ B cùng làm một bài hát nhưng tôi không ghi credit cũng không thể hiện điều này trên giấy tờ, rồi tự nhiên 20 năm sau có một rapper nào đấy dùng giai điệu resampling thành một ca khúc mới thì khi đó tôi không có tiền bản quyền à? Nhìn lại thị trường Việt Nam hiện tại luật chỉ đang chú trọng vào nhạc và lời của giai điệu thôi. Nhưng thực tế một bài nhạc còn có phần nhạc của tất cả các nhạc cụ cấu thành nên nữa. Trong khi đó, các nghệ sĩ đang áp dụng hình thức resampling rất nhiều ở nền âm nhạc đương đại. Nếu như chúng ta không thể hiện phần credit rõ ràng như thế thì ai sẽ bị thiệt thòi đây?
Ngay cả việc đề tên về cách thức hợp tác của các nghệ sĩ trong từng bài hát, tôi thấy tại thị trường Việt Nam chúng ta nên sử dụng dấu phẩy là đúng nhất. Mọi người hay bị lam dụng chữ “x” quá. Nước ngoài chỉ có một kiểu là “featuring” thôi. Có thể hiểu là “tôi có một bài hát và tôi mời ông vào đây hát chung”. Còn trong album “22” thì tôi với MONO thuộc dạng “collab”. Ban đầu MONO có đề nghị để tên tôi trên toàn bộ album nhưng tôi không đồng ý vì dù gì đó cũng là đĩa nhạc debut của cậu ấy. Tôi có một nguyên tắc rằng bài hát người ta chọn để debut thì là của người ta. Việc gắn thêm cái tên khác vào sản phẩm debut là chuyện không nhân văn một cách kinh khủng luôn. Vì thế tôi chỉ xin ghi credit vào mấy bài để đi chơi DJ thôi mà (cười).
Vậy onionn. đã có những kế hoạch cụ thể cho những năm tới để hành trình âm nhạc sẽ có thêm nhiều thử nghiệm thú vị khác nữa chưa?
Đây, tôi có note rõ ràng từng mục tiêu cho từng năm luôn này. 2022 là năm mà tôi quan sát và gieo mầm điều tôi muốn thực hiện. Sang 2023 tôi sẽ theo dõi liệu những thứ mình đã gieo trồng lớn lên như thế nào. Còn 2024 sẽ là lúc tôi nhìn thấy chúng thành hình ra sao. Quan trọng hơn, tôi sẽ bắt đầu học cách đấu tranh với chính bản thân mình nhiều hơn dưới góc độ của một người làm nghệ thuật. Tôi không thích được gọi là nghệ sĩ mà chỉ mong mọi người nhìn onionn. như một người làm trong ngành âm nhạc mà thôi. Thật ra suốt quá trình làm album “22” với MONO tôi đã tự chất vấn bản thân nhiều lần với mục đích tìm ra những điểm giao nhau giữa điều mà tôi muốn làm và thứ công chúng sẽ tiếp nhận được. Chung quy lại thì mọi thứ tôi đang ấp ủ trong thời gian tới đều được gói gọn trong chữ “gieo”. Nếu Wren Evans “trao” thì tôi sẽ “gieo” (cười).
Cảm ơn onionn. vì cuộc trò chuyện!