Thời gian này của 56 năm về trước, Peggy March khi ấy mới vừa bước sang tuổi 15 đã giành được ngôi vương trên BXH Billboard Hot 100 nhờ single thứ hai “I Will Follow Him” và đứng vững tại đây trong vòng 3 tuần lễ.
Cụ thể, khi vừa được 15 tuổi 1 tháng, nữ ca sĩ Peggy March đã xuất sắc thống lĩnh BXH Hot 100 danh giá vào ngày 27/04/1963 với bản hit “I Will Follow Him”. Nhờ đó, bà đã trở thành ngôi sao nữ trẻ tuổi nhất từng chạm tới thành tích này, phá vỡ kỷ lục trước đây của Brenda Lee. Brenda giành No.1 vào năm 1960 cùng ca khúc “I’m Sorry” vào năm 15 tuổi 8 tháng.
Sau đó, tuy nhiều kỷ lục khác trên BXH đã được lập nên rồi phá tan nhưng sau hơn 5 thập kỷ dài, Peggy March vẫn giữ vững danh hiệu của mình. Hiện tại, bà vẫn tiếp tục thực hiện các tour lưu diễn, đứng trên nhiều sân khấu và miệt mài sản xuất âm nhạc cũng như sinh sống tại Đức – nơi Peggy đã dành 35 năm cuộc đời thu âm những giai điệu Pop bằng tiếng Đức, đạt nhiều thành công rực rỡ.
Nhân dịp kỷ niệm 56 năm kể từ thành quả của “I Will Follow Him”, Billboard đã ngồi lại cùng Peggy March (lúc này đã 71 tuổi) để ôn lại những gì đã qua.
Khi “I Will Follow Him” leo lên No.1 Hot 100, bà mới 15 tuổi và 1 tháng, trở thành ca sĩ nữ trẻ nhất làm được điều đó. 56 năm trôi qua và vẫn chưa có ai phá được kỷ lục này. Bà cảm thấy thế nào khi nắm giữ kỷ lục lâu đến như vậy?
Thật đáng ngạc nhiên là kỷ lục vẫn còn nằm đó. Tôi nghĩ nó hẳn đã bị vượt qua từ lâu rồi. Tại thời điểm lúc bấy giờ, tôi còn chẳng nghĩ tới nó lần thứ hai. Mãi cho tới nhiều năm sau, tôi mới bất chợt nhận ra: “Wow, chẳng phải quá lý thú sao?“. Miley Cyrus có lẽ cũng làm được như thế ngay từ lúc mới bắt đầu sự nghiệp. Cô bé khởi đầu đủ sớm đấy.
Bà nghĩ mình sẽ cảm thấy thế nào nếu như kỷ lục bị phá bỏ?
Tôi muốn được gặp người phụ nữ trẻ làm được điều này, ít nhất là có thể chụp chung một khung hình vì đây rõ ràng là một cột mốc đáng nhớ, là điều mà tới nay vẫn chưa ai thực hiện được. Vì vậy, dù kỷ lục có bị phá bỏ hay không thì tôi chắc chắn mình hoàn toàn không sao, cũng không bị ảnh hưởng tâm lý gì cả đâu.
Kỷ niệm đầu tiên nhất của bà về âm nhạc là gì?
Mẹ tôi kể lại rằng khi mới lên hai, tôi đã có thể hát thuộc lòng hết tất cả các ca khúc quảng cáo trên TV nhưng bản thân tôi không nhớ mình đã làm được như thế. Năm 5 tuổi, tôi được mời góp giọng cho một nhóm nữ và khi lên 8, tôi thực hiện 4 show diễn trong cùng một ngày tại thành phố Atlantic. Nếu ai đó đã từng xem bộ phim “Beached” thì sẽ thấy có một cô bé tóc đỏ rất giống tôi đấy, trừ việc tôi khá nhút nhát còn cô nàng thì không. Tôi gõ nhịp và ca hát, show tiếp theo diễn ra hai tiếng sau đó. Giữa lúc ấy, tất cả chúng tôi đều đang ở trên bãi biển rất vui vẻ nên tôi hoàn toàn yêu thích công việc của mình.

Năm 13 tuổi, bà ký hợp đồng với hãng RCA và cho ra mắt single đầu tiên “Little Me” cho vở nhạc kịch Broadway cùng tên. Bà nghĩ sao về ca khúc đó?
Ca khúc không hề dễ hát đâu, nó có giai điệu kỳ lạ và còn đổi phím ở giữa bài. Người ta đã đưa nó cho tôi vì nghĩ rằng bài hát đáng yêu dù nó không quá có nhiều tính thương mại. Và RCA lúc đó cũng là nhãn hiệu của Broadway nên phải làm thôi. Họ đưa ca khúc cho một ai đó bất kỳ và tôi chỉ là người ngẫu nhiên được chọn.
Thật tiếc là bài hát đã không trở thành hit.
Buồn cười là việc đó chẳng khiến tôi phiền lòng vì biết rằng nếu đến bản thân mình còn cảm thấy khó hát thì những người khác cũng sẽ như vậy thôi. Đó là một ca khúc Broadway chứ không phải một ca khúc nhạc Pop, nhưng cũng có vài bài nhạc Broadway đạt được No.1 tại thời điểm ấy, chỉ tiếc là điều đó không xảy ra với “Little Me” mặc dù tiếng kèn kazoo trong ca khúc cũng rất ổn. Show diễn chỉ kéo dài 7 tháng tại Broadway và khi được hồi sinh thì cũng chỉ kéo dài 4 tuần.
Khi trưởng thành, bà có nghe nhạc của các nữ ca sĩ nổi tiếng của thập niên 50 không?
Tôi nghe nhạc của nhiều giọng ca nữ nhưng không muốn “copy” bất cứ ai cả. Tôi không muốn giống như họ. Khi được so sánh với Connie Francis, tôi cảm thấy như bị xúc phạm vậy. Nhưng tôi vẫn nghe nhạc của họ vì đó là âm nhạc của ánh sáng. Ba tôi là người rất thích những nghệ sĩ nữ, ông mê mẩn những bài hát của họ và lúc nào cũng nghe họ hát.
Bà nhớ điều gì về lần đầu tiên được giới thiệu ca khúc “I Will Follow Him”?
Lúc đó, tôi mới bắt đầu bước vào trường cấp ba. Còn nhớ, ngày hôm ấy tôi được đưa ra khỏi trường để tới Newark cách đó 2 tiếng đồng hồ chạy xe và gặp gỡ Hugo Peretti cùng với Luigi Creatore, những nhà sản xuất âm nhạc khá nổi tiếng. Họ sản xuất cho nhóm nhạc The Tokens, sở hữu nhiều bản hit lớn, có những bài cả hai sáng tác nhưng cũng có bài không. “I Will Follow Him” không phải sáng tác của họ.
Tôi còn nhớ lúc bước vào văn phòng thì đã thấy bài hát nằm trên bàn. Chị gái tôi hôm đó đã nói rằng: “Em chẳng thích bài hát này tí nào vì giai điệu cứ lặp đi lặp lại hoài”. Dĩ nhiên, chính điều ấy lại khiến ca khúc ăn sâu và lởn vởn trong tâm trí người nghe. Để hát được bài hát ấy cũng không dễ dàng đâu vì có nhiều quãng tám, lên rất cao nhưng không sao cả, tôi chẳng quan tâm. Sau đấy, chúng tôi nhanh chóng tiến hành thu âm vào đầu tháng Một năm 1963 và là bài hát duy nhất mà cả đội thực hiện trong ngày hôm đấy. Chúng tôi đã thu tới 13 lần.
Và dàn nhạc đã biểu diễn live phải không?
Đúng vậy. Toàn bộ dàn nhạc rồi dây đàn, mặt trống và những giai điệu ở căn phòng bên ngoài còn tôi thì ở trong buồng cách âm. Thật là “cool” làm sao!
Sau khi bà thu âm xong thì mất bao lâu ca khúc mới được phát hành chính thức?
Chưa tới một tháng. Bài hát ra mắt ngày 22/01/1963.
Lúc nào thì bà nhận ra ca khúc đang nhận được nhiều sự chú ý?
Lúc mà RCA đã có một phòng ban chuyên quảng bá sản phẩm chất lượng với quy mô bậc nhất. Single này bắt đầu công phá ở Detroit nên tôi đã bay tới đó. Đáng ra lúc ấy tôi đang phải tất bật học hành để thi một môn ở trường cấp ba nhưng Detroit thực sự là một điều hứa hẹn đáng giá. Không phải ở Philadelphia, cũng không chỉ quanh quẩn trong góc tường. Bạn cần phải lên máy bay để tới được nơi đó. Đó là lần đầu tiên tôi được ngồi trên máy bay và được các hãng truyền thông phỏng vấn.
Bà có còn nhớ khoảnh khắc được nghe chính ca khúc của mình trên radio chứ?
Thứ Sáu là ngày tôi phải lau sàn nhà bếp. Trong lúc đang còn mặc đồng phục và rửa chén thì tôi nghe đài WABC, nhận ra single của mình nằm trong top 10 của họ nên tôi đã theo dõi hàng tuần. Bài hát vẫn tiếp tục thăng hạng và đứng ở No.2 trong 3 tuần lễ. Một tuần nọ, bài đứng hạng hai không phải là “I Will Follow Him”. Tôi còn nhớ mình đã nghĩ rằng: “Chà, chắc nó bay luôn rồi, không còn ở đó nữa đâu. Thất vọng thật nhỉ!”. Và khi bản hit No.1 vang lên, đó chính là “I Will Follow Him”. Tôi đứng trân trân một chỗ, hoàn toàn như bị thôi miên, lắng nghe giọng hát của chính mình. Trong nhà lúc đó rất yên tĩnh, chẳng có ai trong căn bếp ngoài tôi và rồi tiếng chuông điện thoại reo lên không ngừng bởi cả gia đình lẫn người quen đều tới tấp gọi đến. Thực sự là một điều tuyệt vời.
Ở tuổi ấy, bà đã biết về BXH của Billboard chưa?
Dĩ nhiên rồi. Cả Cash Box và Record World nữa. Tôi đã được ban quản lý cho biết thông tin. Mỗi khi tới RCA, Billboard có mặt ở khắp nơi và tôi biết Billboard là thương hiệu uy tín của ngành công nghiệp âm nhạc. Việc bạn có mặt và leo lên được No.1 là một điều cực kì quan trọng.
Những người bạn khác ở trường cấp ba phản ứng ra sao trước thành công bất ngờ của bà?
Khi ca khúc bắt đầu vươn lên trên các BXH, cảm giác vô cùng kỳ lạ rằng không hiểu vì sao những người bạn ấy không còn nói chuyện với tôi nữa. Tôi không còn được rủ tới các lớp học nhảy, đi về nhà một mình và cảm thấy rất luyến tiếc cho bản thân.
Bà có nghĩ họ đang ganh tị với mình không?
Có lẽ một vài người trong số đó đúng là như vậy. Tôi vẫn muốn tới dự các buổi tiệc sinh nhật của bạn bè, không muốn bị cô lập, muốn đi chơi với các chàng trai vì cũng là con gái mà. Đó đều là những người tôi cùng lớn lên từ lúc nhỏ. Sau đó, tôi còn nghe nói những anh chàng bị dọa rằng tôi sẽ nói từ chối họ và nếu vậy, họ sẽ bị trêu ghẹo. Thế là tôi đã chẳng hẹn hò với một ai cả.
Bà có nhớ lần đầu tiên hát “I Will Follow Him” trên truyền hình không?
“American Bandstand” là chương trình đầu tiên mà tôi trình diễn “I Will Follow Him”. Mỗi ngày tôi đều xem chương trình này sau khi cùng chị gái đi từ trường về nhà. Nó cứ như một thói quen vậy. Hôm sau đó thì chúng tôi trò chuyện về việc được nhìn thấy các ngôi sao nam như Freddy Cannon, Fabian hay Frankie Avalon. Nữ ca sĩ Brenda Lee cũng góp mặt vài lần. Chương trình ấy toàn là những ngôi sao lớn, những bạn nhỏ nhảy cho show cũng đều rất có tiếng tăm. Rồi bất ngờ tôi xuất hiện ngay phía trước họ, trẻ tuổi hơn tất cả, ít nhất là 1, 2 tuổi. Tôi đã nghĩ: “Mình phải đứng trước họ và trình diễn. Ôi trời ơi, mình không thể”. Họ đều rất nổi tiếng nên tôi đã khá lo lắng và sợ hãi. Tuy nhiên, MC Dick Clark là một người tuyệt vời, ông ấy cư xử thật tinh tế và lịch thiệp nên tôi cũng ổn định tâm lý phần nào.
Cảm giác của bà như thế nào khi được gặp Dick Clark lần đầu?
Hai đầu gối tôi run lên luôn, giống như lúc gặp ca sĩ Perry Como. Cả hai đều là thần tượng của tôi, là những ngôi sao đình đám. Họ sẽ nghĩ gì về tôi? Tóc tôi trông giống cái gì? Mình có đang ngồi đúng cách không? Trong tâm trí, tôi vẫn còn nhớ mình ngôi sau tấm rèm màu vàng, chờ nó mở ra và thấy mọi người trong studio. Thực sự thú vị.
Nhiều năm sau đó, bà đã thực hiện một liveshow với Dick Clark tại Tampa.
Đó là dịp sinh nhật thứ 50 của tôi. Anh ấy quả là một người ưa nhìn và chẳng có dấu hiệu lão hóa gì cả. Thật đúng là không công bằng mà. Dick vẫn ngọt ngào như ngày xưa ấy. Và tôi không còn là đứa bé thuở nào, cũng không còn phát hoảng vì anh ấy nữa. Tôi cũng ấn tượng với sự nghiệp huyền thoại lẫn sự bền bỉ của anh.
Ca khúc “I Will Follow Him” là yếu tố chính trong phim “Sister Act”. Bà đã nhận ra nó bằng cách nào?
Một hôm, ca sĩ Lou Christie đã gọi tới và nói tôi phải xem bộ phim “Sister Act”. Khi tôi hỏi lý do, anh ấy chỉ nói cứ xem thì sẽ biết. Lúc đó mẹ có đến thăm nên tôi đưa bà đi cùng luôn. Buồn cười là, bà ấy cứ đứng ở rạp phim, liên tục hỏi mọi người có biết ai đây không. Tôi thì không ngừng nói: “Mẹ à, đừng làm thế nữa!”. Bà lúc nào cũng vậy, khiến tôi xấu hổ muốn chết nhưng cũng rất vui. Tôi hiểu người ta cũng tìm kiếm mình vì là một phần của bộ phim. Sau đó, điều tuyệt vời là “I Will Follow Him” đã được hồi sinh.
Bà có lúc nào thấy chán khi hát ca khúc này không?
Hồi 18 tuổi thì có đấy, nhưng sau này thì tôi dần biết ơn vì dù không có thêm hit theo sau như nhiều người khác, “I Will Follow Him” vẫn rất thu hút và nổi tiếng khắp thế giới.
Bà đã bao giờ từng thay đổi màu sắc cho bài hát?
Tôi đã nói chuyện với các nghệ sĩ khác về điều này và từng thấy một người đồng nghiệp làm vậy. Cô ấy tạo phiên bản disco cho một bản hit của mình nhưng khán giả lại chê nó. Vì thế tôi chẳng bao giờ thực sự thay đổi “I Will Follow Him”. Tôi đã thu âm tại nước Đức nhưng thấy lời không hay cho lắm. Không phải cứ phù hợp ở Anh thì cũng có thể tương xứng ở Đức. Tương tự, khi ở Nhật, khán giả muốn chúng tôi giữ lời nhạc gốc và chỉ đổi một vài đoạn sang tiếng Nhật mà thôi.
Thời nay, khi hát “I Will Follow Him”, bà sẽ nhận được phản hồi thế nào?
Mọi người thường nói kiểu: “Tôi thích mê ca khúc này rồi” hay “Buổi hẹn hò đầu tiên của tôi có bài này đấy” hoặc “Chúng cháu nhảy theo bài hát tại buổi prom của trường”.
Một trong những tác giả của bản gốc bằng tiếng Pháp của “I Will Follow Him” là Paul Mauriat, đây cũng không phải tên thật của anh. Năm năm sau khi bà giành No.1, anh ấy cũng đạt No.1 Hot 100 với ca khúc “Love Is Blue”. Bà đã bao giờ gặp Paul Mauriat chưa?
Nhiều năm trước, lúc đang ở lễ hội tại Caracas, Venezuela, một người đàn ông tới nói lời cảm ơn với tôi vì căn nhà của anh. Tôi đã hỏi tên anh và tại sao lại cảm ơn mình thì anh ấy khẳng định là tác giả của “I Will Follow Him”. Khi tôi thắc mắc vì tên anh ấy không có trong hãng, anh ấy đã đáp: “Tôi không muốn mọi người biết mình viết một bài hát thị trường lúc ấy vì là một nhạc sĩ nghiêm túc”. Tôi đã ôm chầm lấy anh, hoàn toàn vui lòng khi biết điều này.
Bà đã có những thành công lớn trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở Đức, nơi bà có tới 26 bản hit liên tiếp trên BXH, được vang lên khắp đất nước này. Mọi chuyện đã diễn ra như thế nào vậy?
RCA quả thực là một công ty quốc tế. Họ có studio khắp mọi nơi và thường đưa nghệ sĩ tới thu âm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Lúc bấy giờ, mọi người đều thu tại Đức và sẵn sàng dang rộng vòng tay chào đón nghệ sĩ Mỹ bởi vì đài American Forces Network rất mạnh ở nơi đó. Tôi có khả năng bắt kịp ngôn ngữ nhanh chóng, phát âm cũng tốt nên cứ liên tục đi đi về về và thu âm nhiều ca khúc hơn nữa.
Hãng RCA còn có nhiều ngòi bút rất xuất sắc. Henry Meier – người viết ca khúc “Summer Wind”, là nhạc sĩ của tôi. Ngay từ đầu, tất cả những bài hit tôi sở hữu đều là do anh ấy viết. Trong đó có bài hát tiếng Đức lớn nhất và nổi tiếng nhất của tôi “Mit 17 Hat Man Noch Träume” mà người Đức nào cũng biết tới. Tên nó có nghĩa là “Ở tuổi 17, bạn vẫn có thể mơ ước”. Khi đó, tôi mới 17 và ca khúc được viết dành cho tôi.
Cuối cùng, khi RCA ký hợp đồng với bà, hãng đã thêm từ “Little” vào trước tên mình và gọi là “Little Peggy March”. Bà cảm thấy sao về điều này?
Tôi hoàn toàn ghét bỏ điều này. Năm 13 tuổi, tôi đã ký kết với RCA lúc còn rất nhỏ con, chỉ cao chừng 1m47. Họ của tôi là Battavio nhưng nó quá dài. “Chúng ta nên gọi con là gì nhỉ? Peggy Vio?”. Tới khi Luigi hỏi sinh nhật của tôi và biết nó rơi vào tháng Ba thì cái tên Little Peggy March ra đời. Tôi không muốn mình cứ “nhỏ bé” mãi. Không may là tới tận bây giờ, cái tên này vẫn ở đó. Mỗi khi nhắc về “I Will Follow Him” là họ lại nói về “Little Peggy March”.
Một năm sau, tôi giành được No.1 trên Billboard và tham gia show The Clay Cole ở New York. Mọi người đã tặng tôi chiếc bánh kem lớn có dòng chữ “Happy Birthday Little Peggy March” và tôi đã gạch chữ “Little” đi. Tới tận khi 19 tuổi, tôi mới có thể thoát khỏi nó, thực hiện xong album “No Foolin’” thì tạ ơn là họ đã không còn gọi tôi bằng cái tên đó nữa. Năm ấy, tôi đã phát triển tới chiều cao tới 1m62 đấy.