Người hâm mộ đang cảm thấy tiếc nuối trước quyết định loại album “Star-crossed” (Kacey Musgraves) ra khỏi hạng mục “Album nhạc đồng quê hay nhất” tại Grammy 2022 của Viện Hàn lâm. Trong khi đó, nữ ca sĩ đã luôn được biết đến như một trong những biểu tượng lớn với dòng nhạc này trong nhiều năm qua.
Như mọi năm, Viện Hàn lâm đã tổ chức cuộc họp hội đồng để sàng lọc các sản phẩm âm nhạc tham gia vào giải thưởng Grammy năm nay. Nhằm đảm bảo các sản phẩm gửi đến được xếp vào đúng danh mục tranh giải, hội đồng có thể từ chối các sản phẩm khi họ cảm thấy chúng không phù hợp cho dòng nhạc. Năm nay, trường hợp này đã xảy ra với album “Star-crossed” của Kacey Musgraves khi họ cho rằng đĩa nhạc này không phù hợp cho hạng mục “Album nhạc đồng quê hay nhất”. Hiện tại, quyết định này đang vấp phải nhiều phản đối từ khán giả lẫn những người trong cuộc.

Mới đây, chủ tịch hãng Universal Music Group Nashville (UMGN) – Cindy Mabe đã viết một bức thư dài bày tỏ sự thất vọng: “Quyết định của hội đồng nhạc đồng quê về việc không chấp nhận album “Star-crossed” tham gia vào hạng mục album nhạc đồng quê là rất mâu thuẫn và phát sinh ra câu hỏi về các việc liên quan đến quyết định này”, bà khẳng định.
Trong thư, Cindy Mabe trích dẫn những chiến thắng trước đây của Kacey Musgraves tại hạng mục album nhạc đồng quê ở giải thưởng Grammy, từ đó chứng minh về sức ảnh hưởng cũng như tầm quan trọng của nữ ca sĩ đối với thể loại nhạc này. Bà nhấn mạnh: “Tôi thực sự muốn làm rõ những gì đang xảy ra với thể loại nhạc của chúng tôi ngay bây giờ, cũng như giúp mọi người và Grammy hiểu đúng hơn về tầm quan trọng của Kacey Musgraves đối với nhạc đồng quê hay vì sao quyết định này còn mang ý nghĩa nhiều hơn là vòng xét duyệt cho một giải thưởng”.

Người đứng đầu UMGN cũng đề cập đến album “Golden Hour” (2019) của Kacey Musgraves, từng thắng giải “Album của năm” lẫn “Album nhạc đồng quê hay nhất” tại Grammy 2019. Theo đó, album “Star-crossed” được cho là sử dụng nhiều yếu tố đồng quê hơn cả “Golden Hour”. Cả hai đĩa thu đều có sự tham gia sản xuất của Fitchuk, Daniel Tashian, Kacey Musgraves và hòa âm phối khí bởi Shawn Everett. Với “Golden Hour”, Kacey Musgraves tham gia đồng sáng tác 7 trên 13 ca khúc, còn “Star-crossed” là 11 trên 15 ca khúc.
Phần thông điệp được truyền tải trong hai đĩa nhạc cũng mang nét tương đồng nhau khi “Golden Hour” nói về tình yêu còn “Star-crossed” là những đổ vỡ trong tình cảm. Vì vậy, Cindy Mabe cảm thấy thật mâu thuẫn khi album thứ tư của Kacey Musgraves có thể giành chiến thắng tại hạng mục “Album nhạc đồng quê hay nhất” ở Grammy 2019 nhưng đĩa thu thứ năm lần này thì không.

Ra mắt vào ngày 10/9 năm nay, album “Star-crossed” được lấy cảm hứng từ hành trình tình yêu nhiều ngọt ngào nhưng cũng không kém đắng cay của Kacey Musgraves và chồng cũ – nam ca/ nhạc sĩ Ruston Kelly. Có mặt ở vị trí No.3 trên BXH Billboard 200, đây là đĩa thu sở hữu lượng lượt stream tuần đầu cao thứ nhì cho một album nhạc đồng quê đến từ một nghệ sĩ nữ (38,23 triệu lượt phát), chỉ sau “Fearless (Taylor’s Version)” – Taylor Swift (142,98 triệu lượt) vào tháng Tư năm nay.

Trong sự nghiệp âm nhạc, Kacey Musgraves là gương mặt vô cùng quen thuộc trên cuộc đua Grammy hàng năm. Album phòng thu đầu tay “Same Trailer Different Park” (2013) của cô đã giành chiến thắng vào năm 2014, “Pageant Material” (2015) được đề cử năm 2016, và “Golden Hour” (2018) một lần nữa đem về chiếc cúp vàng ở mùa giải 2019. Do đó, thông báo “Star-crossed” bị loại ra khỏi hạng mục “Album nhạc đồng quê hay nhất” đang vấp phải nhiều ý kiến bất bình từ người hâm mộ.
Hiện tại, Viện Hàn lâm vẫn chưa phản hồi về bức thư của bà Cindy Mabe. Theo Billboard Mỹ cho biết, mặc dù album “Star-crossed” bị loại khỏi hạng mục “Album nhạc đồng quê hay nhất” nhưng ca khúc “Camera Roll” nằm trong album vẫn được chấp nhận tham gia hạng mục “Ca khúc đồng quê hay nhất”. Đặc biệt, sản phẩm vẫn có cơ hội tranh giải cho “Album của năm” và thậm chí đã được hội đồng nhạc Pop chấp nhận xếp vào danh mục xem xét đề cử “Album nhạc Pop hay nhất”.