Ở đây có một câu đố: “Giữa Hạnh Ngân, hnhngan và VSTRA thì cuối cùng ai đang là người đã trả lời bài phỏng vấn này?”
Nếu chịu khó đọc hết bài phỏng vấn này một điều chắc chắn bạn sẽ tìm ra những đáp án khác nhau, lúc thì Hạnh Ngân, khi thì hnhngan có khúc lại là VSTRA. Nếu ví 3 tên gọi là này đỉnh của một tam giác thì trong tam giác đó có gì?
Không gì nhiều, chỉ có nhạc thôi. Nhưng dĩ nhiên, âm nhạc của VSTRA không dữ dội mà từ tốn len lỏi vào tâm trí người nghe, giống như cỏ dại bén rễ trong những khe chật hẹp. Đến lúc dính rồi thì sẽ như nụ cười của con mèo đang buồn ngủ bên cạnh lò sưởi. Âm ỉ, âm ỉ một cách dễ chịu không dứt ra được.
Năm 2022 có lẽ là một năm đáng nhớ với Hạnh Ngân nhỉ? Bắt đầu từ việc đổi nghệ danh thành VSTRA.
Có thể nói năm 2022 vừa qua đã đánh dấu sự thay đổi lớn đối với bản thân tôi. Trong đó, cái tên VSTRA ra đời để diễn tả một cách rõ nét tính cách của Hạnh Ngân. Ở cô gái này vẫn có sự nhạy cảm nhưng giờ đây đã cứng cáp, gai góc hơn và có chút phức tạp. VSTRA không chỉ nhìn mọi thứ qua lăng kính tích cực mà đôi khi còn là những cảm xúc ít ai nhắc đến trong âm nhạc. Ngoài ra, ca khúc “Phong” cũng là một điều đặc biệt bởi trong năm qua tôi hoạt động không quá sôi nổi. Tôi cảm thấy hạnh phúc trước những phản hồi tốt mà khán giả dành cho sản phẩm này.
Liệu có điều đặc biệt gì nằm trong ca khúc “Phong” mà khán giả chưa được biết?
“Phong” xuất phát từ những cảm xúc rất cá nhân của chính tôi. Ca khúc ra đời vào khoảng đầu năm 2022 khi tôi phải xa người yêu. Vốn dĩ ở bên bạn ấy tôi cảm thấy rất an toàn, mọi thứ xung quanh đã trở thành thói quen nên lúc tách ra tôi liền cảm thấy hụt hẫng, lo lắng. Hoàn cảnh này đặt tôi vào cái thế phải chuẩn bị cho sự thay đổi hoặc những rủi ro có thể xảy ra. Bản thân tôi vốn không chia sẻ quá nhiều về cảm xúc cá nhân trên mạng xã hội hay thậm chí ở ngoài đời. Vậy nên âm nhạc là nơi để tôi có thể tự do bày tỏ những điều riêng tư. Khi viết nhạc, tôi cảm giác bản thân mình như được giải thoát và có cơ hội chia sẻ nhiều hơn. “Phong” đã giúp tôi làm điều đó.
Tôi cùng với TGSN và Tyronee tạo nên “Phong”. Họ đều là những producer làm việc chung với tôi từ rất lâu. Chúng tôi đã cùng nhau thử nghiệm nhiều thứ nhưng có lẽ tìm được tiếng nói chung nhiều nhất ở “Phong”. Tôi sáng tác ca khúc này trên guitar và hoàn toàn không sử dụng beat mẫu nào cả. Sau khi nhận được bản demo, hai bạn đã phát triển phần beat dựa trên cảm nhận riêng. Từ những giai điệu nghe khá êm đềm và tình cảm, TGSN cùng Tyronee đã giúp “Phong” trở nên có nhịp điệu nhiều hơn thông qua tiếng bass hay tiếng trống 808 đặc trưng. Đọc bình luận thấy nhiều khán giả bảo họ rất thích những âm thanh đấy nên tôi càng tin rằng mình đã chọn đúng người để đồng hành cùng. “Phong” cũng là bài tôi thích nhất trong số những bài làm cùng TGSN và Tyronee. Thời gian qua bản thân tôi cũng lắng nghe những bình luận và góp ý từ khán giả về giọng hát nên cách tôi thể hiện bài hát này cũng khác so với những sản phẩm trước đây. Thay vì hát gằn giọng như mọi khi thì tôi đã tiết chế lại một chút. Thật vui vì mọi người có thể nghe và nhận ra sự thay đổi nhỏ đó.
Thay vì thích dòng nhạc cụ thể và tập trung phát triển bản thân ở dòng nhạc đấy thì dường như các nghệ sĩ trẻ ngày nay có xu hướng thử nghiệm nhiều màu sắc khác nhau hơn?
Tôi nghĩ lý do phần đông nghệ sĩ trẻ thích sự thử nghiệm là bởi vì thị trường đang có quá nhiều thể loại âm nhạc hay. Các nghệ sĩ quốc tế họ cũng thử nghiệm rất nhiều. Chúng tôi cũng nghe và cảm thấy như được tiếp thêm động lực, được khuyến khích bước ra khỏi vùng an toàn để thử sức với những màu sắc mới mẻ hơn. Ai cũng còn rất trẻ nên chưa thật sự hiểu được dòng nhạc mình đang làm liệu có phải là hay nhất chưa? Bây giờ nếu chọn bước sang một thể loại khác thì có phù hợp hay không? Hoặc khi mình hát những loại nhạc đó thì sẽ như thế nào? Tôi nhận ra điều hay ho và tuyệt vời nhất trong quá trình làm nhạc chính là được phép thử nghiệm để biết bản thân mạnh ở đâu hay có điểm gì chưa phù hợp. Nếu muốn làm thể loại nào đó trong tương lai thì cần trau dồi thêm những gì. Tôi nghĩ rằng những người trẻ như chúng tôi cần đa năng hơn để phục vụ khán giả, nhưng đồng thời thỏa mãn được những mong muốn cá nhân. Riêng tôi muốn trở thành một nghệ sĩ toàn diện và đa màu sắc để tạo ra những bản nhạc có thể làm mình vui mà người nghe cũng yêu thích.
Gần đây có thử nghiệm âm nhạc nào của riêng mình khiến bạn cảm thấy đặc biệt thích thú không?
Chúng tôi có thử dùng âm thanh cũng như những yếu tố của dòng nhạc Drill và phối theo nhịp trống Vinahouse, còn phần melody thì hơi Việt Nam một chút. Nghe lại thì cả bọn đều khá thích lần thử nghiệm này. Bản thân tôi rất hứng thú với Vinahouse dù nhiều người hay nhận xét rằng nó giống như một “nồi lẩu thập cẩm”. Đối với tôi, Vinahouse luôn mang lại cảm giác tích cực, sự rạo rực và nghe rất vui tai. Nhạc Vinahouse vang lên thì chỉ muốn nhảy thôi. Mọi người nghe nhạc Techno hay EDM cũng cảm thấy như thế mà đúng không? Khi bắt đầu thử nghiệm trên chất liệu này, chúng tôi từng lấy nhạc của The Weeknd để remix lại. Có lẽ không phải ai cũng hình dung được chuyện gì đang diễn ra ở trong những bài mix Vinahouse như thế, nhưng chắn chắn họ sẽ thấy thú vị.
Thỉnh thoảng mấy người bạn của tôi muốn giải trí hay kéo “mood” cũng bật mấy bản nhạc mà tôi đăng trên Soundcloud kiểu như “Internet Lag” là bản Vinahouse từ “Internet Love”. Tôi mừng khi âm nhạc của mình có thể hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của mọi người dưới nhiều hình thái và màu sắc khác nhau. Biết đâu vào một ngày nào đó tôi sẽ phát hành hẳn một album toàn nhạc Vinahouse thì sao? Đây giống như một thị trường ngách mà tôi có thể chen chân vào. Thật sự mong đến lúc tung ra album đấy, khán giả sẽ hiểu rằng “à thì ra cô này cũng khá hâm đơ chứ chẳng phải một người quá nghiêm túc đâu”.
Đã khá lâu kể từ thời điểm phát hành bài “Phong” nhưng có vẻ VSTRA vẫn chưa có ý định trở lại. “Phong” nhận được phản hồi tốt như thế tại sao bạn không tận dụng cơ hội ngay khoảng thời gian ấy?
Thật ra nhiều lúc khán giả cũng hay giục tôi ra nhạc lắm. Nhưng may mắn là các bạn đều rất kiên nhẫn, biết tôi hay có tâm sự nên có bảo “thôi được rồi, tôi chờ”. Ngày xưa hồi còn cầm guitar đàn hát tôi thường hứa là để hôm nào thu âm rồi đăng lên SoundCloud cho mọi người nghe tuy nhiên chắc phải 3 tháng sau tôi mới làm. Sau khi “Phong” ra mắt và có sức hút nhất định, điều chúng tôi nhận ra không chỉ một vài rủi ro về mặt thị trường mà còn nhìn thấy những thiếu sót mà bản thân chưa thể khắc phục ngay lúc ấy. Vậy nên đôi khi tôi phải hy sinh thời điểm chín muồi để có thể phát triển hơn. Đợi đến khi lại có thêm cơ hội thì tôi đã ở trong tâm thế sẵn sàng chứ không phải nhắm mắt cho qua thêm một lần nào nữa. Còn nếu cứ liên tục bỏ lỡ, tôi chắc chắn là một nghệ sĩ lười, không chịu phát triển và không chịu nắm bắt thời cơ.
Đến bây giờ tôi không hề hối hận khi quyết định chưa ra album dù nhận được nhiều sự ủng hộ sau khi phát hành ca khúc “Phong”. Thị trường năm qua khá cạnh tranh nên tôi cũng đi từ từ chứ không dám vội vàng vì sợ “dục tốc bất đạt”. Nhưng sự cạnh tranh trong nghệ thuật đấy cũng rất vui, nhất là với những nghệ sĩ trẻ. Chúng tôi đôi khi gửi demo cho nhau để cùng nghe, để ủng hộ. Về bản thân mình, tôi chỉ gửi cho anh quản lý và producer chứ không thường gửi cho bạn bè. Thi thoảng tôi cũng đưa người yêu nghe thử hoặc để bản thân tự nghe xem có ưng chưa. Thế mà tôi lại hay được nhận nhạc từ mọi người rồi “review” giúp họ. Nhờ đó tôi nhận ra rằng mỗi người đều có một vùng đất âm nhạc riêng để phát triển sao cho đẹp nhất, màu mỡ nhất, giàu tính nghệ thuật cũng như phù hợp nhất với những vị khán giả mà chúng tôi mời đến tham quan.
VSTRA thường bước vào vùng đất âm nhạc của nghệ sĩ nào để khám phá?
Nhạc Việt thì tôi nghe nhiều lắm. Cứ bài nào hay thì tôi sẽ nghe thử. Hồi xưa tôi có nghe bài hát của các cô Lệ Quyên, Mỹ Tâm, Hồng Nhung… Các bạn trẻ bây giờ thì có Wren Evans hay mọi người trong CDSL. The Weeknd là nghệ sĩ quốc tế tôi dành nhiều thời gian để nghe nhất trong những năm gần đây. Có thể nói, The Weeknd là một trong những người đàn ông hiếm hoi khiến tôi bị lay động dù tôi rất lý trí (cười). Nói vui vậy thôi chứ tôi vẫn sẽ thả lỏng và mềm mỏng nhất khi nghe nhạc vì tôi tìm đến âm nhạc để được giải thoát, an ủi cũng như nhận về một lời động viên nào đó. Nghe nhiều thì mới thấy chất liệu trong âm nhạc của The Weeknd và những nội dung mà anh ấy viết luôn rất chân thật. Ở đó, có những cảm xúc mà người ta không dám thừa nhận hay chủ động nói ra nhưng The Weeknd lại lựa chọn mang vào các bài hát của mình. Vì thế khi lắng nghe tôi cảm thấy rất đồng cảm. Không những thế, âm nhạc của người nghệ sĩ này đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Không biết khán giả có nhận ra hay không, đoạn intro trong bài “Phong” được tôi lấy cảm hứng từ intro ca khúc “Often” của The Weeknd đấy.
Nhưng “đi từ từ” thường là lựa chọn của những người đề cao sự thận trọng trong mọi việc. Bạn có phải tuýp người đấy không?
Vốn dĩ tôi là người thường đánh giá nhiều yếu tố và khá thực tế khi đưa ra những cái quyết định về mặt âm nhạc cho bản thân. Tôi còn nhìn vào những yếu tố liên quan đến thương mại, kinh tế hoặc cân nhắc liệu điều mình đang làm có phù hợp. Ở một khía cạnh khác, tôi cũng rất quan trọng tính tự do trong sáng tạo nên luôn tự nhắc bản thân cần phải có chính kiến riêng khi quyết định có nên bước vào trận chiến đó hay không. Không cạnh tranh ở thời điểm này không có nghĩa là khi bắt đầu cạnh tranh tôi sẽ thua cuộc. Tất nhiên nếu trì hoãn thì cũng chỉ đến một giai đoạn nhất định thôi chứ cứ dời mãi tôi nghĩ có khi Hạnh Ngân sẽ lôi cổ VSTRA lên mà hỏi “sao mày không làm nhạc?”.
Tôi luôn nói chuyện với mọi người trong team về câu chuyện phát hành sản phẩm vào lúc này, lúc kia sẽ được lợi hay rủi ro như thế nào. Tuy nhiên khi nhìn xa hơn, tôi nghĩ ưu điểm và nhược điểm vẫn luôn tồn tại kể cả đó là một thời điểm cực kì tốt. Mọi thứ xảy ra đều có lý do. Và như mọi người cũng biết, quá trình làm nhạc là phải liên tục nghe đi nghe lại để chỉnh sửa hoặc thay đổi cho đến khi hoàn chỉnh. Chưa kể thời gian đầu tư cho single và album cũng khác nhau hoàn toàn. Khi ra mắt một single, tôi có thể hài lòng ở mức 8 hay 9 điểm, cảm thấy “bài hát này mình làm đến đây là ok rồi” thì sẽ dừng lại. Còn khi sản xuất một album chúng tôi sẽ khó tính hơn. Ví dụ đã chọn được 10 ca khúc rồi nhưng khi nghe lại một lượt cảm giác chưa ưng ý hoặc câu chuyện đang kể có khúc mắc gì đấy thì cả team phải điều chỉnh lại. Có những bài hát đã được chọn vào album từ rất lâu nhưng đến bây giờ nếu không còn phù hợp thì tôi sẵn sàng bỏ ra rồi thay bằng những sáng tác khác. Là album đầu tay, tôi không chỉ muốn mang đến cho khán giả những bản nhạc mà còn mong họ thấu hiểu được tôi dù là Hạnh Ngân hay một nghệ sĩ tên VSTRA. Chắc chắn đến thời điểm phù hợp tôi sẽ ra mắt album thôi, tôi sẽ không để khán giả của mình chờ lâu đâu. Phải nói trước kẻo các bạn ấy dỗi rồi không chờ nữa thì chết (cười).
Nghe cách VSTRA trò chuyện cảm thấy cô gái này rất tỉnh táo chứ không bay bổng hay quá nghệ sĩ tính.
Tôi nghĩ mình đang phân vai khá tốt. Trong âm nhạc tôi có thể thỏa sức sáng tạo, làm những gì mình muốn và nói những thứ đang nghĩ trong đầu. Còn khi quay về với thực tại, tôi là Hạnh Ngân. Tôi nhìn vào VSTRA, lập kế hoạch và phải nghĩ xem liệu cô ấy đi theo đường hướng như thế có hợp lý hay không? Thú thật là đã có những lúc tôi tự nghi ngờ bản thân rằng “có phải vì VSTRA chưa đủ hay, chưa đủ tốt nên Hạnh Ngân chưa sẵn sàng cho VSTRA ra nhạc?”. Sau đó tôi nhận ra thay vì cứ liên tục tranh cãi trong đầu thì sẽ phân chia rõ ràng hai vai trò. Chúng song hành và cân bằng trong cuộc sống của tôi. Tôi dựa vào đó quan sát và sắp xếp mọi thứ.
Tất nhiên để dung hoà hai thứ thì tôi cần sự kỉ luật. Khi làm nhạc, tôi cảm thấy mình sáng tạo nhiều nhất khi tự đặt ra kỉ luật để biết đâu là điểm dừng, đâu là lúc cần phải tự thúc đẩy bản thân. Sự kỉ luật bổ trợ cho quá trình sáng tạo của tôi nhiều hơn là ngăn cản và đem lại vùng tự do nhất cho tôi. Nếu là một người chỉ yêu âm nhạc và không coi nó như công việc thì có thể sáng tạo thoải mái, lúc nào làm cũng được chứ đâu cần quan tâm chất lượng hay nội dung. Nhưng bởi vì tôi làm nhạc không chỉ cho tôi mà còn vì khán giả và cả những người cộng sự của mình, nên sự kỉ luật đó tựa như cái bản lề để tôi viết một cách thẳng hàng hơn, ngay ngắn hơn. Tuy nhiên, một khi sự kỉ luật bị phá bởi yếu tố nào đấy thì chắc chắn tôi sẽ nói ra chứ không chịu đựng hay giấu đi. Sự thẳng thắn đôi khi có thể gây mất lòng nhưng trong công việc thì nó tốt mà. Ai cũng có những quy tắc riêng, tôi không thể xâm phạm vào điều đó và cũng không thể bắt họ phải làm theo ý mình nhưng chúng tôi sẽ phân rõ đâu là những giới hạn không thể bước qua trong mỗi dự án làm việc chung.
Vậy vượt ra khỏi những khoảnh khắc của những tư duy logic và rạch ròi, đâu là điều thú vị hoặc buồn cười nhất đã từng xảy đến với bạn?
Điều buồn cười nhất trong cuộc đời là chưa bao giờ tôi nghĩ lớn lên mình sẽ chọn âm nhạc. Dù tôi đã thích hát từ ngay khi còn học mẫu giáo. Tới cấp 1 mọi người cứ hay hỏi mai sau lớn lên thích làm nghề gì, từ lúc ấy bản thân đã có những sự đầu tranh nho nhỏ trong đầu. Ngày đó có mấy cuộc thi ca nhạc, cũng tự hỏi có nên đi thi không, có theo được nghề hát không? Lớn lên một chút thì những tiêu chuẩn của một ca sĩ như ngoại hình hay giọng hát từng khiến tôi hoài nghi chính mình. Có khoảng thời gian tôi còn trở nên thực tế đến mức cực đoan, nghĩ rằng bản thân không làm được đâu vì nghệ sĩ lúc nào cũng phải đẹp hoặc cần phải thế nọ thế kia. Tôi giống như đang đi trên một con đường có nhiều làn xe, cứ luôn cứ mấp mé sang làn âm nhạc rồi lại quay trở về cái làn cũ.
Tôi cứ viết linh tinh rồi đăng nhạc lên SoundCloud hay đăng những bản cover lên Facebook hoặc YouTube. Hồi đó cũng không quảng cáo hay làm gì cả, tự dưng mọi người tìm thấy tôi và truyền tai nhau. Khi ấy dù chưa có sản phẩm cá nhân, ngoại hình không được trau chuốt, thậm chí mọi người không còn không biết mặt tôi nhưng họ vẫn nghe, vẫn yêu thích và ủng hộ. Bằng một cách nào đấy, nó dần dần tạo nên tôi ở thời điểm hiện tại cũng như mang đến cho tôi những người nghe trung thành nhất. Nhờ đó, những suy nghĩ cực đoan của tôi đã không còn nữa. Tôi phát hiện bản thân dường như đã quá khắt khe với giấc mơ của mình. Tôi bắt đầu chạy theo nó, trân trọng nó và thử làm xem sẽ đi đến đâu.
Hình như bạn cũng đã có những khởi đầu với những ngành nghề khác trước đây?
Nhiều người có lẽ không biết tôi từng học chuyên ngành Digital Marketing và chuyên ngành phụ Entrepreneurship (Khởi nghiệp) ở Đại học RMIT. Du học ở New Zealand xong tôi còn tính chọn làm thiết kế đồ hoạ rồi định làm ngành truyền thông nữa. Tuy nhiên ngay ngày đầu tiên bay về Việt Nam, tôi bất ngờ được mời đi diễn. Cảm giác được đứng trên sân khấu, nhìn thấy mọi người ở dưới thuộc những ca khúc mình sáng tác, hát theo và hô tên mình luôn khiến tôi nổi da gà mỗi khi nhớ lại. Giây phút ấy tôi được trao thêm niềm tin để tin rằng sân khấu là nơi mình nên thuộc về. Từ tối hôm ấy trở đi, tôi thành hnhngan và hôm nay là VSTRA. Và đến bây giờ, tôi chắc chắn rằng việc theo con đường âm nhạc là một quyết định đúng đắn, không có gì phải hối tiếc. Bởi dẫu có trải nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đến cuối cùng tôi và âm nhạc vẫn tìm đến nhau.
May mắn là bố mẹ đều luôn chấp nhận mọi thứ tôi làm. Thật ra quan điểm của tôi rất giống bố mẹ, tức là dù học ngành nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là mình sẽ đúc kết được điều gì việc đó. Dẫu học về Digital Marketing, Entrepreneurship hay học nhạc thì tôi vẫn tiếp thu được nhiều kĩ năng để có thể sử dụng trong cuộc sống. Bố mẹ sẽ đứng ở đằng sau, xem tôi đang làm tốt hay chưa tốt ở điểm gì. Ngày xưa bố mẹ cũng động viên tôi thử học nhiều thứ nhất có thể như vẽ, toán và cả hoá nữa. Sự ủng hộ từ bố mẹ đóng góp một phần rất quan trọng giúp tôi đủ tự tin để cân bằng mọi thứ mà không cần phải chạy đua với cuộc sống.
Từng học về Marketing, VSTRA có quan trọng việc một sản phẩm âm nhạc phải trở nên viral?
Tôi nghĩ điều đó cũng tốt mà. Nếu nhạc của bạn viral, sẽ có nhiều người biết đến âm nhạc của bạn hơn, bạn có thể có thêm nhiều show, bạn thành công và có chỗ đứng hơn. Thực tế, khi làm nhạc chúng tôi không chỉ đầu tư chất xám mà còn về tiền bạc và thời gian. Vậy nên nếu một ca khúc không có hiệu ứng tốt trên các nền tảng thì điều đó đồng nghĩa với việc con số mà chúng tôi thu về đôi khi không thể bù lại những thứ đã bỏ ra. Nhưng đối với tôi, sự thành công của một ca khúc không dựa vào việc nó có viral một cách nhanh chóng hay không. Đơn cử như “Internet Love”, đó không phải là sản phẩm vừa ra mắt đã trở nên rầm rộ. Kể cả “Phong” cũng như vậy. Nhưng bù lại là hàng tháng vẫn có nhiều người tiếp tục quay lại để nghe ca khúc. Vì lẽ đó tôi thấy rằng để quyết định một ca khúc có thành công hay không thì cần phải có một quá trình đánh giá lâu dài hơn, để xem khán giả liệu có còn nói nhiều về nó, phân tích ý nghĩa bài nhạc đó như thế nào hay họ có những câu chuyện riêng nào gắn liền với bài nhạc đó hay không. Tôi tin khi âm nhạc được tạo ra một cách tử tế, được đầu tư, trau chuốt kĩ lưỡng và tìm thấy đúng đối tượng thì tác phẩm ấy sẽ có một cái vị trí riêng trên thị trường. Đương nhiên người nghệ sĩ cũng phải hát tốt và thật sự thấy hài lòng với đứa con mà họ đã chăm chút nên. Đó lý do tôi không quá đặt nặng việc phải nhét điều gì đấy vào bài hát của mình để nó trở nên viral.
Hiện nay nhiều nghệ sĩ đã bắt đầu quan tâm đến việc làm concept album thay vì chỉ gom góp bài hát rồi phát hành như trước đây, bạn có quan sát về điều này không?
Tôi rất vui cho mọi người bởi vốn dĩ các nghệ sĩ hay những người làm về sáng tạo vẫn luôn có những tâm tư muốn thể hiện ra bên ngoài. Việc có một concept hay câu chuyện trong album không chỉ giúp khán giả hiểu được người nghệ sĩ đang muốn thể hiện điều gì, mà còn tạo cơ hội để nghệ sĩ được thoả sức sáng tạo cũng như bày tỏ cái tôi nhiều hơn. Tôi thấy hứng thú khi chứng kiến nhiều đồng nghiệp hướng đến việc thực hiện một album với đầy đủ các yếu tố trên. Chắc chắn album của riêng tôi cũng có những câu chuyện cũng như concept về mặt hình ảnh đi cùng âm nhạc để truyền tải những thông điệp trọn vẹn nhất, hoàn hảo nhất. Tôi còn muốn thực hiện đĩa vật lý nữa và đang đi kiếm tiền để làm nó thật đẹp. Vì khi nhìn vào đó, khán giả cũng sẽ biết cái gu của người nghệ sĩ ấy như thế nào.
Card bo góc thì sao, bạn có dự định làm không? Đó là những phụ kiện đi kèm album mà hiện tại các fan rất thích đấy.
Thật ra tôi không phải là một người sinh hoạt trong văn hoá card đó đâu nhưng nếu như các bạn fan thích thì tôi sẽ làm. Chỉ là tôi đang chưa biết tính chất của card bo góc sẽ là những hình ảnh kiểu gì nhỉ? Tôi luôn thắc mắc là khán giả tìm kiếm điều gì ở những chiếc card bo góc đó. Tôi cũng xem những video unboxing, xem họ kiểm tra card đang ở tình trạng nào, xem họ đóng gói các sản phẩm. Tôi cũng đã thấy những chiếc card bo góc khác nhau, có những chiếc là hình ảnh selfie rất đời thường và gần gũi, có những chiếc thì là hình ảnh độc quyền rất đẹp và lung linh. Thế nên tôi cứ đứng giữa ở khoảng không suy nghĩ là “ôi card bo góc thật sự là cái gì, mình nên chọn hình ảnh nào bây giờ” (cười).
Dường như có quá nhiều điều thú vị mà khán giả có thể chờ đợi từ VSTRA trong năm 2023 này thì phải?
Mục tiêu ban đầu của tôi là phát hành album vào năm ngoái nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể ra mắt được. Vậy nên tôi sợ nếu nói trước sẽ bước không qua. Tuy vậy, tôi vẫn mong rằng trong năm nay sẽ có thể trình làng đứa con tinh thần này chứ không thể nào trì hoãn thêm nữa. Bên cạnh đó, tôi đang ấp ủ việc tổ chức một show diễn để giới thiệu album mới và gặp gỡ những người nghe của mình tại TP.HCM. Trước đây tôi từng có minishow ở Hà Nội rồi, nhưng từ lúc chuyển vào Nam đến nay vẫn chưa có cái dịp hát hò và trò chuyện với khán giả tại đây. Năm 2023, tôi cũng đặt mục tiêu phải làm tốt hơn những năm trước, ra nhiều nhạc hơn, có thêm nhiều người nghe hơn cũng như chinh phục được những cột mốc mới. Tôi tự nhắc nhở mình phải luôn tiến lên vì nếu đi thụt lùi thì sẽ hơi buồn. Hy vọng 2023 có thể đánh dấu sự chuyển mình một cách mạnh mẽ hơn của VSTRA, cho mọi người thấy được VSTRA là ai và âm nhạc của cô ấy như thế nào.
Cảm ơn VSTRA về cuộc trò chuyện!