Bài phỏng vấn này đơn thuần chỉ muốn nhìn lại năm 2022 và dự định 2023 của Thịnh Suy. Chỉ thế thôi nhưng lại mang đến cảm giác dễ chịu, sảng khoái, nhẹ nhàng và phấn khởi.
Thịnh Suy bảo: “Thứ tôi không kiểm soát được là sản phẩm có nổi tiếng không thì tôi để cho công ty quyết định. Không kiểm soát, không kì vọng. Bởi tôi biết nếu người ta thích thì người ta nghe nhiều, người ta không thích thì tôi bắt họ nghe làm chi cho khổ. Nhưng nếu sản phẩm nổi tiếng thì tôi vẫn biết, vẫn vui. Không kì vọng tức là có cũng được, không có cũng được. Không có mình không buồn, có thì mình vui. Đâu có gì cản mình vui đâu”, nghe nhẹ tênh như nguồn năng lượng trong âm nhạc mà Thịnh Suy mang lại. Thứ năng lượng không phải như than hay dầu cần được bén lửa từ bên ngoài mà ngược lại, tự phát sinh trong tâm hồn mỗi người khi ta quay ngược vào “Door To Nowhere” (Cánh cửa đến không nơi nào).
“Chết Trong Em” vẫn bền bỉ hiện diện ở vị trí các thứ hạng cao trên hai bảng xếp hạng Billboard Việt Nam Hot 100 và Top Vietnamese Songs đấy, bạn biết chứ?
Tôi vui vì bài hát được yêu thích rất nhiều, vì vốn dĩ bản thân không có kì vọng gì hết. Ở phần bình luận trên Youtube, tôi còn thấy mọi người kể chuyện cá nhân của họ và đó là một niềm vui khác nữa. Tôi nghĩ có lẽ họ đã được khơi gợi lên một cảm xúc nào đó, mà chỉ khi nghe bài hát này mới có thể thấy như vậy, vì thế họ đã quyết định kể những câu chuyện rất cá nhân. Tôi rất quý điều đó, quý từng bình luận một. Tôi cũng vui vì album nhận được những phản hồi tích cực, đúng với những gì tôi mong muốn lúc đầu.
Từ “tiny things” đến “Door To Nowhere” là những ấp ủ riêng nào của Thịnh Suy?
Album này bắt đầu được làm từ cuối năm 2019 và hoàn thành vào tầm tháng 10/2022, tức là gần 3 năm. Cái tên “Door To Nowhere” (Cánh cửa đến không nơi nào) cũng có thể đọc thành “Door To Now Here” (Cánh cửa đến hiện tại nơi đây). Do đó, tiêu chí chọn bài cho album chính là dẫn người nghe về hiện tại và hướng đến sự thoải mái của con người. Các bài hát nghe vào không có cảm giác quá cố gắng mô tả hay thể hiện điều gì. Chỉ là nhạc êm, âm thanh có tính nhạc. Có thể gọi là kiểu chữa lành cũng được.
Nhưng album cũng có phần “tối” hơn những sản phẩm trước. Cuộc sống xung quanh phát triển và thay đổi nhiều, dẫn đến biến cố hoặc những vấn đề mới mà tôi buộc phải đối diện. Ban đầu, tôi cũng có chút lo ngại về việc không biết cảm xúc này có tiêu cực quá không. Nhưng tôi vẫn muốn trở thành một chiếc gương phản chiếu không có filter, không chỉ lọc ra những điều tích cực mà còn ẩn chứa phần sâu hơn về cuộc sống – những điều mà tôi sẽ không né tránh việc nói về chúng. Vì là một album nên bắt buộc nội dung phải dày, sâu hơn về ý nghĩa, đó chính là vai trò của phần “tối”.
Vừa “chữa lành” vừa ẩn chứa phần “tối”, liệu có sự mâu thuẫn nào không?
Chữa lành ở đây có thể hiểu là nghỉ ngơi. Cho những ai đang cảm thấy tổn thương, cô đơn, bị tách biệt khỏi thế giới xung quanh. Họ muốn ở một mình, không muốn làm gì cả. Album này cho họ khoảng 27 phút để nghe, cảm nhận và thấy đồng cảm. Nội dung trong đó có thể tối nhưng cũng có thể tiệp với trạng thái bên trong người ta. Nhưng nó không bảo người ta phải làm gì, chỉ có một mục đích duy nhất là âm thanh thoải mái nên người nghe sẽ có giây phút để nghỉ ngơi và không tiếp tục đi sâu hơn nữa vào phần tối trong con người họ.
Tại sao bạn quyết định chỉ sản xuất album với thời lượng khá ngắn như vậy cho cả 9 bài hát?
Tôi thấy việc mọi người xung quanh sống nhanh lên đang ảnh hưởng nhiều đến âm nhạc. Bây giờ một video TikTok không tốn quá nhiều thời gian để thu hút một người. Âm nhạc ngắn lại vì mọi người đang nhanh lên, đó cũng không phải chuyện gì xấu hết. Nếu mọi người nghe 27 phút của album này mà thấy đủ thì là nó đủ. Trong 27 phút đó cũng có bài ngắn, bài dài. Mỗi bài lại mang nội dung khác nhau, nên mỗi nội dung cần một thời lượng khác nhau để truyền tải.
Có một điều đặc biệt nữa ở đĩa nhạc này đó là hợp âm cuối của bài cuối liên kết qua hợp âm đầu của bài đầu album. Nó là một chi tiết ẩn mà khi mọi người nghe lướt thì sẽ có cảm giác như mọi thứ nó nối liền nhau. Nếu ai cảm thấy album 27 phút là đủ truyền tải được hết thì tôi rất mừng, còn nếu ai thấy không đủ thì có thể nghe album theo vòng lặp. Như vậy tôi cũng đã đạt được mục đích khi tạo ra cái “loop” này rồi chứ không có tính toán gì quá sâu xa.
Có một điểm rất mới trong album lần này của Thịnh Suy đó là âm thanh từ nhạc cụ dân tộc.
Tôi là một nghệ sĩ Gen Z, muốn vươn ra thế giới, phát triển ngoài thị trường trong nước. Tôi cũng đặt câu hỏi cho bản thân rằng muốn ra thế giới thì mình có gì để đem ra và nhạc cụ dân tộc là câu trả lời.
Lúc đầu, tôi chỉ quyết định là sẽ muốn làm nhạc cụ dân tộc, muốn làm gì đó mang tính chất dân gian, gợi nhớ về nguồn cội chứ không chọn trước nhạc cụ. Tôi không dùng đàn tranh, đàn bầu đơn giản là vì mấy nhạc cụ đó… đắt tiền, tôi không mua được mà còn phải thật sự tốn nhiều thời gian hơn để tập luyện. Trong một lần đi chơi, bạn producer làm nhạc cùng tôi mua được một cái kèn môi. Tôi mới nghĩ là thôi sử dụng cái này luôn cho tiện. Bạn ấy tập chơi khá nhanh, cách sử dụng cũng không quá phức tạp nên chúng tôi chọn sử dụng kèn môi.
Trong album, tôi còn sử dụng một nhạc cụ dân tộc có tính Á Đông khác đó là sáo, trong hai bài cuối cùng. Ngoài ra mặc dù không Việt Nam lắm nhưng có một nhạc cụ dân gian nữa đó là một loại trống của người châu Phi, cũng là chúng tôi mua về tập xong thu luôn. Mọi người nghe hai EP trước của tôi có thể thấy mọi thứ khá đơn giản. Lần này tôi muốn nội dung sâu hơn, tính nhạc cũng phải đa dạng nên tôi cần sử dụng nhiều nhạc cụ hơn.
Chúng ta đã nói đến câu chuyện về những phần tối mà người nghe cảm nhận được trong album lần này nhưng còn với chính Thịnh Suy thì sao?
Tôi sẽ chia sẻ cho mọi người hai câu chuyện.
Chuyện thứ nhất là lúc tôi trở nên không hài lòng, không chấp nhận được bản thân. Nhiều lúc tôi chọn cô đơn, vứt bỏ hết mọi thứ rồi quay lại và trừng phạt mình bằng những điều không hay ho, những suy nghĩ không tích cực. Cảm xúc đó không dễ chịu gì, tôi cũng trốn chạy hoài thôi chứ không phải lúc nào cũng đối diện được. Nhưng trốn chạy hay lãng quên đều là những cách không bền. Tôi vẫn phải giải quyết vấn đề thì mới bước tiếp được bởi những khó khăn đó trước sau gì cũng đến. Việc không trốn chạy cũng đã giúp tôi viết ra những bài hát về sự cô đơn trong album này.
Chuyện thứ hai là về cái chết. Năm ngoái, ông bà ngoại tôi mất chỉ trong vòng một năm. Biến cố không mang tới cho tôi cảm xúc mãnh liệt ngay thời điểm đó, nhưng lại đến một cách từ từ. COVID cũng buộc tôi phải đối mặt với cảm xúc đấy nhiều hơn. Chuyện sinh tử cũng giống như chuyện cô đơn, không né được. Tôi không nói về cái chết trên góc độ tiêu cực mà theo chiều hướng nhìn nhận một cách trực diện, không trốn chạy hay lảng tránh. Thái độ đối diện đó cũng là một nguồn cảm hứng khác cho quá trình làm nhạc của tôi hiện tại.
Với album lần này, chất liệu chủ yếu mà tôi sử dụng là cảm xúc. Cảm xúc của con người là nguồn luôn tồn tại và ai cũng có dòng cảm xúc của riêng mình. Khi cảm xúc đến, tôi tự đặt câu hỏi tại sao cảm xúc đó đến, cảm xúc này đang muốn nói điều gì và mình đã làm gì để có cảm xúc như thế. Từ đó, tôi đi sâu vào để tìm hiểu về tâm lý con người, về Phật pháp, triết học. Thật ra tôi không thường đọc sách. Lúc cảm thấy rối bời, tôi thường mở sách nói lên để nghe cho đỡ suy nghĩ quá nhiều. Ai thích tìm hiểu về đạo Phật có thể xem “Đường Xưa Mây Trắng” của thầy Thích Nhất Hạnh viết về cuộc đời của Phật tổ. Triết học thì tôi đọc về chủ nghĩa khắc kỷ.
Bạn đã đối diện với những suy tư nào khi đi sâu tìm hiểu về tâm lý của con người nói chung và bản thân nói riêng?
Từ việc đọc sách về chủ đề khắc kỷ, tôi đã rút ra được bài học mà tôi nghĩ nó quan trọng. Đó là những sự việc diễn ra thì có 3 kiểu: những việc mình không kiểm soát, những việc mình kiểm soát được một phần và những việc mình hoàn toàn kiểm soát được. Theo khắc kỷ, chúng ta chỉ nên tập trung vào những gì mà mình hoàn toàn kiểm soát được, không nên kì vọng và không nên bám vào hai cái kia. Tôi thấy cách sống này ổn, đỡ khổ và phù hợp với tôi.
Áp dụng vào chuyện làm nhạc và khi sản xuất album, điều tôi kiểm soát được là âm thanh sẽ nghe như thế nào nên tôi dồn tối đa công lực vào chuyện đó. Chuyện tôi kiểm soát được một phần là nhạc của tôi cho người khác cảm xúc tiêu cực hay tích cực, nhưng tôi không quá quan tâm. Thứ tôi không kiểm soát được là sản phẩm có nổi tiếng không thì tôi để cho công ty quyết định. Không kiểm soát, không kì vọng. Bởi tôi biết nếu người ta thích thì người ta nghe nhiều, người ta không thích thì tôi bắt họ nghe làm chi cho khổ. Nhưng nếu sản phẩm nổi tiếng thì tôi vẫn biết, vẫn vui. Không kì vọng tức là có cũng được, không có cũng được. Không có mình không buồn, có thì mình vui. Đâu có gì cản mình vui đâu.
Có vẻ như từ khi về với InQ International bạn cũng thoải mái hơn trong việc làm nhạc và phát hành nhạc mới?
Đây là một bước chuyển mà từ đây tôi sẽ nghiêm túc hơn với việc làm nhạc. Trước giờ, tôi luôn đi theo định hướng do tôi tự đặt ra cho mình đó là âm nhạc không nên bị phụ thuộc quá nhiều vào những thứ khác như xây dựng thương hiệu hay quảng cáo nhãn hàng. Tôi nghĩ sự sống của người làm nhạc nên được củng cố bằng chính âm nhạc. Đó là định hướng chung mà tôi và InQ có với nhau nên chúng tôi cùng bắt tay. Chúng tôi sẽ làm thêm nhiều nhạc, nhiều liveshow để làm cho chuyện sống và kiếm tiền bằng việc làm nhạc nó trong sáng hơn. Tôi từng tự mình làm việc với nhãn hàng rồi, nhưng cảm giác như không phù hợp lắm với cách làm việc đó.
Hiện tại thì tôi thấy… sướng vì được làm nghệ thuật, thấy tự do và cũng rảnh rỗi. Tôi thấy may mắn vì người ta vẫn gọi đi show, vẫn được đi diễn, vẫn viết được nhạc, vẫn còn cảm xúc và còn cái gì đó để thể hiện hay giá trị nào đó để đóng góp cho những người xung quanh. Cuộc sống nghệ sĩ của tôi cũng không còn quá bận bịu, tôi cứ để nó diễn ra vì mọi thứ về công việc đều được lên lịch từ trước. Lúc nào nghĩ ra việc gì đó thì lên lịch, còn lúc nào không nghĩ ra thì cứ làm tiếp việc đang làm.
Sự tự do mang đến điều gì cho bạn, ngay lúc này?
Sự tự do mang đến cho tôi một không gian yên tĩnh, vì tôi không phải đến công ty hay ra ngoài đường và gặp người khác mỗi ngày. Hầu hết thời gian tôi đều ở nhà, cũng có đi chơi nhưng mà ít. Vậy nên tôi có nhiều thời gian để ở trong sự yên lặng và điều đó giúp tôi có được sự nhận biết về cảm xúc của bản thân, giúp cho việc sáng tạo và lên ý tưởng của tôi dễ hơn. Những lúc ở trong đám đông, tôi thường lo chơi lo làm mà không biết rằng bản thân đang vui hay đang buồn. Đổi lại, để tự do yên tĩnh thì phải cô đơn hơn, đối diện nhiều hơn. Ở nhà quá lâu thì chắc chắn cũng sẽ tù túng, nhưng cũng tuỳ vào mỗi người. Nếu tôi ở nhà mà thấy không ổn nhưng vẫn ở lì trong nhà thì lại là không ổn, đó chỉ là tôi đang chạy trốn việc phải tự làm mới mình. Mặt khác, đối với tôi cảm xúc chính là nguồn cảm hứng nên việc sáng tạo cũng không bị hạn chế bởi chuyện tôi ở nhà nhiều.
Chúng ta đã nói về sự sống của một nghệ sĩ, vậy còn sự sống của một ca khúc thì sao? Bên cạnh những ca khúc mới, Thịnh Suy cũng sở hữu nhiều bản hit đến hiện tại vẫn nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả dù đã được phát hành khá lâu.
Tôi thấy vui vì âm nhạc của mình chứng minh được qua thời gian. Đó cũng là tiêu chuẩn mà tôi chú trọng khi định nghĩa chữ hit hơn là lượng người nghe hay độ trending. Ví dụ như phần lớn thành viên của The Beatles đã qua đời nhưng đến giờ tên tuổi của họ vẫn nằm trong Top nghệ sĩ của nền tảng Spotify, thì đó vẫn là hit mà. Sự sống của âm nhạc là thứ mà tôi không thể kiểm soát được nó sẽ sống lâu hay chết nhanh, nhưng nếu được tôi vẫn mong nó có thể trường tồn lâu nhất có thể.
Không biết trong kho nhạc của bạn có sáng tác nào mang tính thể nghiệm, khác với những gì bạn đã làm trước giờ không?
Cũng có đấy, một bài lúc trước tôi làm để cho vào album nhưng sau đó lại lấy ra. Bài hát tên là “Please Don’t Go” và có một ít thể nghiệm trong đó. Nó hơi ồn, hơi khó chịu một chút nhưng thực ra theo tôi định hình thì đó là bài nhạc nghe khá hay.
Sắp tới tôi còn muốn làm một đĩa tiếng Anh, tôi muốn đưa nhạc của mình ra thị trường quốc tế và đang nghĩ xem mình sẽ làm như thế nào. Hiện tại đã có Spotify, Apple Music là những nền tảng phát nhạc trực tuyến toàn cầu, đó cũng là một cách để marketing sản phẩm ở nước ngoài. Tôi vẫn chưa quyết định sẽ làm EP hay album, nhưng đó sẽ là sản phẩm mà tôi thực sự hướng tới khán giả nước ngoài ngay từ đầu để xem phản hồi của họ như thế nào.
Những bài tiếng Anh trong “Door To Nowhere” tôi làm cho người Việt Nam vì đó là định hướng ban đầu về tệp khán giả của album. Tuy vậy, những gì người Việt Nam nghe mà thấy hay thì chưa chắc người nước ngoài cũng có cảm giác tương tự và những điều người Việt quan tâm cũng khác với những điều người nước ngoài muốn nghe. Lần này, tôi sẽ làm việc với các cộng sự người nước ngoài ở công ty nên chắc nhạc sẽ “tây” hơn một chút.
Quá trình làm việc với người nước ngoài có nhiều khác biệt so với những lần bạn làm với ekip Việt Nam không?
Khác nhau lớn nhất là người nước ngoài nói tiếng Anh và người Việt nói tiếng Việt (cười). Khác biệt to lớn tiếp theo mà tôi thấy là họ có xu hướng nói thẳng nhiều hơn. Điều đó tốt và cũng không tốt bởi nói thẳng đâu có nghĩa là chân thành, chưa có quy định như vậy được. Ví như mình cảm thấy tệ và mình nói thẳng với người khác, quăng bực tức cho họ mà chưa nghĩ ra vì sao nó tệ, chưa suy nghĩ ra mình có chịu trách nhiệm cho chuyện này không thì nói thẳng chưa hẳn là tốt. Ngược lại nếu không nói gì và cứ nghĩ tiêu cực một mình thì không được. Mọi chuyện đều tương đối thôi.
Ngoài kế hoạch làm album tiếng Anh, năm 2023 của Thịnh Suy sẽ có gì đáng mong chờ?
Album tiếng Việt tiếp theo sẽ bắt đầu được thực hiện từ đầu năm sau. Còn một kế hoạch nữa có thể sẽ khiến mọi người hào hứng là năm sau tôi và công ty sẽ làm nhiều liveshow hơn, để bình thường hoá việc nghe nhạc tại lễ hội cũng như việc đến xem show để giải trí.
Chẳng phải thị trường hiện tại đang có rất nhiều lễ hội, nhạc hội, sự kiện âm nhạc được tổ chức với đông đảo khán giả tham gia rồi sao?
Tôi thấy đúng là có nhiều liveshow nhưng xung quanh tôi vẫn chưa có nhiều liveshow do nghệ sĩ tự làm, tự bán vé, tự kinh doanh. Tôi có cảm giác như việc đến show nghe nhạc chưa là thói quen với nhiều người nên tôi muốn hình thành thói quen cho khán giả của tôi. Lúc đó, tôi sẽ có nhiều thu nhập hơn và đứng vững hơn bằng âm nhạc do chính tôi làm chứ không phải bằng quảng cáo hay bằng những thứ không phù hợp với bản thân. Đối với tôi thì đây là một nhiệm vụ, nhưng cũng không nhất định là phải thành công. Nếu thất bại thì cũng là chuyện bình thường, tôi không muốn đặt nặng vấn đề. Đó cũng chỉ là một định hướng để tôi có thêm thu nhập, mở rộng và vững vàng hơn trên con đường của mình chứ không phải một lý tưởng hay điều gì quá đao to búa lớn.
Trong suốt cuộc trò chuyện, thú thật tôi có cảm giác như bạn có hai thái cực đối lập trong mình: một bên mắc kẹt cùng nỗi cô đơn, một bên lại suy nghĩ đơn giản kiểu tới đâu tính tới đó.
Là Thịnh Suy đó, nó là 2 mặt mà (cười).
Và Thịnh Suy cũng có phần bụi bặm, phong trần nhiều hơn đấy nhỉ?
Với hình ảnh hiện tại, tôi chỉ muốn thể hiện rằng bản thân đang thoải mái. Tôi không thật sự cố gắng tạo dựng điều gì theo khuôn khổ. Nghệ sĩ không cần phải hoàn hảo, chẳng hạn như mọi người đều không thích tôi để râu nhưng tôi cứ để vậy thôi có sao đâu. Cũng có nhiều người hiểu cho tôi, thấy tôi để râu nhìn cũng đẹp, để tóc cũng ok… Nhưng mẹ tôi thì vẫn chưa hiểu cho việc để râu của tôi lắm.
Ở nhà mẹ nói gì về vẻ ngoài bây giờ của cậu con trai?
Mẹ kêu “Cạo râu đi!”.
Và bạn đáp lại là?
Tôi bảo “Không cạo!” (cười)
Tinh thần thoải mái đó, có lẽ đã được bạn thể hiện trọn vẹn trong chiếc artwork của “Door To Nowhere” thì phải?
Để nói về artwork của “Door To Nowhere” thì đầu tiên tôi muốn cảm ơn đến bạn gái của mình. Hôm đó chúng tôi dàn dựng một set trong phòng của tôi để chụp photoshoot truyền thông cho album. Lúc đấy kì thực tôi còn làm việc khác chứ chưa vô set chụp. Tôi đang khoan đinh để treo tranh lên thì bạn gái mới chụp lại. Đến lúc chọn ảnh để làm artwork thì bỗng dưng tôi thấy bức hình đó tự nhiên và rất đẹp. Tôi cũng không để tâm chuyện mình đang không mặc áo luôn. Khung cảnh đồ đạc, mọi thứ sắp xếp để trên giường như vậy nhìn cũng đẹp nữa, thế là tôi quyết định chọn bức ảnh làm artwork. Đó là chỗ tôi đang ở nên nó cũng mang nhiều ý nghĩa với cá nhân tôi.
Bạn gái không chỉ là người đồng hành mà còn có vai trò lớn trong hành trình âm nhạc của Thịnh bây giờ đúng không?
Lớn lắm, tôi không diễn tả nổi đâu (cười).
Cảm ơn Thịnh Suy về cuộc trò chuyện này!