Các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc thường có chung xuất phát điểm từ một công ty chủ quản, ngôi nhà họ thực tập và ra mắt. Nơi họ được định hướng về phong cách, sản phẩm và kiểm soát các lịch trình, hoạt động giải trí.
Tuy nhiên thời gian gần đây, có nhiều nhóm nhạc đã có sự thay đổi khi các thành viên không còn chung công ty quản lý nữa. Tất nhiên tại thời điểm ra mắt, họ vẫn được debut dưới trướng một “mái nhà chung”, nhưng khi đã có chỗ đứng ổn định hoặc kết thời hạn hợp đồng, một số thành viên sẽ có xu hướng chuyển đổi công ty quản lý nhưng vẫn tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa nhóm của mình.
Xu hướng mới đang ngày càng phát triển
Sáng thứ Sáu (ngày 24/5/2019) theo giờ địa phương, Jellyfish Entertainment thông báo thành viên Ravi của VIXX chính thức hết hạn hợp đồng. 4 thành viên khác là Leo, Ken, Hyuk và Hongbin vẫn ký tiếp, riêng anh cả N đang thi hành nghĩa vụ quân sự nên chưa có kết luận cuối cùng.

Về phía Ravi, nam rapper quyết định không tái ký, ra riêng thành lập một nhãn hiệu cá nhân. Tuy vậy, cả anh lẫn công ty đều khẳng định vẫn trực thuộc VIXX và boygroup thần tượng này vẫn hoạt động bình thường. Công ty riêng của ngôi sao sinh năm 1993 sẽ tạo những điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để anh phát triển sự nghiệp cá nhân song song với các lịch trình nhóm trong tương lai.
Trước VIXX không bao lâu, người hâm mộ K-Pop cũng được 1 phen nháo nhào khi nhận tin Hani và Junghwa tuyên bố không ký tiếp hợp đồng với Banana Culture. Thông tin này khiến cộng đồng LEGGO (fandom của nhóm) lo lắng cho tương lai của EXID. Tuy nhiên cả 2 phía có liên quan đều khẳng định chắc nịch 2 nữ thần tượng chỉ đổi công ty, girlgroup này vẫn tiếp tục hoạt động chứ không tan rã như nhiều người lo lắng.
Hani và Junghwa hiện đang tìm kiếm 1 công ty mới nơi có thể hỗ trợ tốt nhất cho sự nghiệp solo của họ, nhưng vẫn tạo điều kiện và cơ hội để các cô gái tái hợp, làm việc với nhóm. EXID và VIXX là 2 trường hợp mới nhất của K-Pop có sự thay đổi về công ty quản lý nhưng vẫn giữ nguyên đội hình nhóm mà không có sự xáo trộn hay tan rã.
Chẳng ai nghĩ “Me&You” là sản phẩm âm nhạc cuối cùng mà cả 5 thành viên EXID đều thuộc cùng 1 công ty quản lý.
Nhiều người sẽ cho rằng EXID và VIXX là 2 nhóm tầm trung, trực thuộc các công ty quản lý vừa phải nên chuyện hoạt động khác nhãn hiệu là chuyện dễ dàng. Thế nhưng vẫn có 1 tên tuổi lớn thuộc hàng sao hạng A và đại tiền bối của K-Pop hiện cũng đang hoạt động theo hình thức này. Đó là SNSD.
“Nhóm nhạc quốc dân” của Hàn Quốc hiện chỉ còn Taeyeon, Sunny, Hyoyeon, Yuri và YoonA đang ký hợp đồng cùng SM Entertainment. 3 thành viên còn lại là Tiffany, Sooyoung và Seohyun đã rời công ty từ năm 2017. Tiffany hiện đang dưới trướng Transparent Art – một nhãn hiệu giải trí đình đám của Mỹ, thị trường chính mà nữ thần tượng hướng đến. Sooyoung đang thuộc Saram Entertainment, còn Seohyun ký với Namoo Actors. Cả 2 công ty này đều nổi tiếng trong việc quản lý diễn viên, chính là sự nghiệp mà 2 nữ thần tượng đang theo đuổi song song với công việc ca sĩ.
Tại thời điểm thông tin 3 thành viên rời SM đưa ra, hầu hết mọi người đều cho rằng SNSD sẽ tan rã. Tuy nhiên cả SM lẫn các cô gái đều khẳng định nhóm vẫn hoạt động bình thường, chỉ khác công ty quản lý mà thôi. Nhiều thông tin bên lề cho biết các bên vẫn đang đàm phán tích cực để đưa nhóm tái hợp trong thời gian sớm nhất. Trong lúc chờ đợi, 5 thành viên còn lại đã tạo thành nhóm nhỏ Oh!GG để duy trì tên tuổi, cả 8 nữ thần tượng vẫn luôn ủng hộ hoạt động của nhau.

Trên thực tế, SNSD không phải là nhóm nhạc đầu tiên theo đuổi hình thức chung nhóm, khác công ty quản lý như thế này. Một cái tên thuộc hàng gạo cội của K-Pop, nhóm nhạc nam thế hệ đầu tiên là Shinhwa hiện vẫn còn hoạt động dù đã đi qua hơn 20 năm sự nghiệp. Nhóm debut dưới trướng SM Entertainment và là lứa học trò xuất sắc nhất của ông trùm Lee Soo Man.
Tuy nhiên đến năm 2003, nhóm chấm dứt hợp đồng với công ty này và tách riêng ra, đầu tiên là gia nhập Good Entertainment, sau đó hợp lại cùng nhau thành lập Shinhwa Entertainment. Ở thời điểm hiện tại, 6 thành viên Shinhwa đang thuộc 4 công ty quản lý khác nhau, mỗi công ty hỗ trợ họ trong hoạt động cá nhân và luôn tạo điều kiện để nhóm tái hợp, mỗi năm phát hành 1 album mới.
Lợi ít hại nhiều?
Lý giải cho việc ngày càng có nhiều nhóm nhạc thay đổi công ty quản lý trong các thành viên nhưng vẫn duy trì hoạt động nhóm, người ta cho rằng điều này đến từ sự cởi mở của làng giải trí K-Pop trong những năm qua. Nếu như những năm về trước, hợp đồng độc quyền thường rất khắt khe với những điều khoản ràng buộc nặng nề thì gần đây điều đó đang dần nới lỏng hơn.
Mặc dù chưa được xác nhận nhưng từ các tin bên lề cũng như các tin đồn, K-Pop fan tin rằng luôn tồn tại 2 điều khoản song hành với nhau, 1 cho các hoạt động cá nhân và 1 cho hoạt động nhóm. Từ điểm này, các thần tượng sẽ có cơ hội để điều chỉnh những lợi ích cho mình và thậm chí là thay đổi công ty quản lý khi đến một thời điểm thích hợp nào đó.
“Scentist” là đĩa đơn gần nhất của VIXX phát hành từ năm 2018.
Thông thường thời điểm đó sẽ là khi tái ký lại hợp đồng. Một bản hợp đồng của K-Pop thường có độ dài 5 đến 7 năm, nên khi đến hạn, công ty và thần tượng sẽ ngồi lại để trao đổi cùng nhau, thương lượng việc gia hạn hay chấm dứt. Điều này phụ thuộc vào lợi ích của 2 bên, định hướng cá nhân và cái tôi của mỗi người để có được quyết định thích hợp nhất.
Việc các thành viên muốn rời công ty này để ký với công ty khác có vẻ như đến từ định hướng cá nhân của mỗi người. Vì vậy, lợi ích lớn nhất khi có mái nhà mới đó là được theo đuổi phong cách yêu thích của mình, không bị ràng buộc bởi concept của công ty cũ. Đồng thời đa phần các nghệ sĩ thay đổi công ty khi đã có chỗ đứng nhất định, vì vậy công ty mới sẽ phải có những điều khoản ưu ái hơn để thu hút nhân tài.
Tuy vậy, việc khác công ty quản lý sẽ tạo ra không ít khó khăn cho việc hoạt động nhóm nếu như vẫn duy trì mà không tan rã. Mặc dù trên lý thuyết các công ty luôn tạo điều kiện để thần tượng có thể hoạt động song song, thế nhưng thực tế lại cho thấy nhiều bất cập. Thứ nhất đến từ việc ăn chia như thế nào đến từ lợi nhuận của hoạt động nhóm. Vì mỗi công ty có cách tính khác nhau nên để có được 1 phương án tối ưu nhất không phải là điều dễ dàng.

Từ câu chuyện lợi nhuận sẽ phải bàn đến vấn đề khác đó là chi phí đầu tư. Mỗi công ty sẽ bỏ ra bao nhiêu, cung cấp những gì cho hoạt động nhóm của nghệ sĩ, làm sao để cân bằng giữa các bên mà không gây ra sự bất đồng? Có thể nói tiền là một từ khóa chủ chốt đối với việc hoạt động nhóm mà khác công ty quản lý.
Thứ 2 là là các vấn đề về thời gian, lịch trình. Mỗi nghệ sĩ khi ký với công ty khác chắn chắn sẽ được sắp xếp các kế hoạch cá nhân khác nhau, cho nên việc đụng độ lịch trình giữa các thành viên là điều không thể tránh khỏi. Cũng như việc lợi nhuận, sắp xếp 1 thời gian comeback cho nhóm nhạc là 1 vấn đề đau đầu và cần nhiều thời gian để giải quyết.
Lấy ví dụ minh họa từ chính SNSD, trong suốt 2 năm qua kể từ khi Tiffany, Sooyoung và Seohyun tuyên bố rời SM, nhóm vẫn chưa tái hợp lần nào. Mặc dù có nhiều tin đồn về việc comeback của các cô gái nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một sự xác nhận nào cho thấy 1 album mới với đủ 8 thành viên sẽ được phát hành. Mỗi thành viên đều bận rộn với những lịch trình riêng, có thời điểm người ta chứng kiến họ đụng độ lịch trình liên tiếp khiến cho những hy vọng về việc tái hợp ngày càng mông lung hơn.
“Kiss Me Like That” là sản phẩm âm nhạc kỷ niệm 20 năm hoạt động của Shinhwa.
Hoặc như nhóm dự án I.O.I hay Wanna One sau khi tan rã, mỗi thành viên lại quay về với công ty cũ và hoạt động trong nhóm mới nhưng vẫn để ngỏ khả năng tái hợp. Chắc chắn vấn đề này đã được thảo luận, nhưng mỗi công ty có một suy nghĩ riêng thì việc thống nhất được với nhau để đưa 2 cái tên đình đám nói trên quay lại sàn đầu K-Pop coi bộ vẫn còn rất xa vời.
Sẽ không có được nhiều trường hợp may mắn như Shinhwa khi mỗi nguời 1 công ty quản lý nhưng vẫn hoạt động nhóm đều đặn. Trong câu chuyện này, người hâm mộ sẽ là nhân vật khó xử nhất. Ai chẳng muốn thần tượng của mình vẫn là 1 nhóm trọn vẹn, nhưng chia ba xẻ bảy công ty khiến ngày về trở nên mong manh chỉ càng khiến niềm tin và hy vọng trở nên dần yếu ớt.