Lướt qua gần hết mọi bài viết của các trang báo, hầu như tên của Vũ. đều được gắn liền với cụm từ quen thuộc “hoàng tử Indie Việt”. Danh xưng “hoàng tử” vốn dĩ mỹ miều là thế, nhưng anh chàng lại xuất hiện trước mặt tôi với chiếc mũ lưỡi trai che tới nửa mặt, cặp kính dày đi kèm bộ râu khá rậm rạp và chẳng tha thiết.. nói nhiều. Tôi bảo, “nhìn Vũ thế này có khi nhiều người lại sợ đấy”. Vũ. nghe, tủm tỉm cười rồi thủng thẳng nói “Không gần thì thôi mình cũng không gần nữa. Tiếp xúc rồi thấy muốn gần thì lại nhào vào đây” (cười).
Vũ. từ lâu đã không còn là tên tuổi xa lạ với những khán giả trẻ mê đắm “dòng nhạc” Indie của Việt Nam. Cách đây vài năm, “Lạ Lùng” nổi lên như một hiện tượng và chiếm trọn tình cảm từ người nghe với ca từ ngọt ngào, lời nhạc lãng mạn và cả giọng hát trầm khàn mộc mạc như thì thầm bên tai. Rồi sau này “Mùa Mưa Ngâu Nằm Cạnh”, “Đông Kiếm Em”, “Phút Ban Đầu”.. cứ thế tiếp nối như những dấu ấn mạnh mẽ để định danh cho thương hiệu bản tình ca của Vũ.
Kì thực, ở gã trai Hà Nội này toát lên thần thái của một nghệ sĩ giản đơn và tinh tế. Không phải mẫu nghệ sĩ có ngoại hình “chuẩn” phong cách soái ca, không có ekip hỗ trợ chiến dịch truyền thông rầm rộ và chẳng cố gắng thể hiện bản thân bằng nhiều chiêu trò, Vũ. vẫn trở nên đặc biệt theo cách của riêng mình. Âm thầm hoạt động nghệ thuật, liveshow tự tổ chức chẳng rình rang nhưng lúc nào cũng có hàng dài các bạn trẻ cứ thế xếp hàng chờ đợi và tình trạng “cháy” vé là chuyện thường xuyên diễn ra ở đêm nhạc của Vũ. Không ít người lấy làm ngạc nhiên lắm, rồi tự hỏi, “cậu trai trẻ này là ai đây?”.
Vũ. là ai? Âm nhạc là gì?
“Vũ. thích John Mayer lắm phải không”, tôi mở đầu cuộc trò chuyện khi nhìn thấy chiếc áo anh chàng đang mặc có in bức hình của nam nghệ sĩ nổi tiếng.
“Rất thích”, Vũ. trả lời gọn gàng và dứt khoát.
Câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu như thế. Không phải bất cứ bản hit đình đám, thành công ấn tượng hay những giải thưởng đã đạt được nào mà lại là John Mayer, một người đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách âm nhạc của Vũ. Bản thân con đường singer/song-writer chuyên nghiệp mà John đang đi cũng là điều mà Vũ. luôn muốn theo đuổi. Không chỉ vậy, Vũ. thừa nhận ngay cả cách cậu ăn mặc, cách cậu đối xử với âm nhạc và cách cậu quản lý những hoạt động truyền thông trên mạng xã hội cũng chịu ảnh hưởng bởi John Mayer.
“John Mayer là một trong số ít những nghệ sĩ hoàn toàn tự xử lý các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội của mình. Nếu bạn theo dõi John thì sẽ biết anh ấy đến bóc một quả quýt thôi có khi cũng quay được thành một cái story, còn nói chuyện thì nhiều lúc… rất là linh tinh. John không phải kiểu người ngại chia sẻ về cuộc sống của mình mà ngược lại còn live stream dạy fan cách đánh đàn nữa. Khả năng chơi guitar của John thì quá kinh khủng rồi, đến những huyền thoại như Eric Clapton hay B.B. King còn phải công nhận cơ mà. Bản thân mình thấy anh ấy thoải mái và gần gũi được với mọi người như thế là anh ấy cũng đang tự do với chính âm nhạc của mình”, Vũ. cho biết.
Không khó để nhận ra rằng Vũ. luôn bị hấp dẫn bởi những nhân vật đem tới cho cậu cảm giác phóng khoáng trong nghệ thuật. Cậu “chết mê chết mệt” John Mayer điều đấy là thật, nhưng thực sự người tạo được sức ảnh hưởng đến cách chơi guitar của Vũ. lại là Jason Mraz và trong khoảng thời gian Vũ. sáng tác bản hit “Lạ Lùng” thì nguồn cảm hứng được truyền đến nhiều nhất bởi cái tên Damien Rice. Duy có chỉ một điều hiếm ai biết rằng người đầu tiên mà Vũ. từng có chút ngưỡng mộ lại là Justin Bieber.
Tuổi thơ của Thái Vũ là những ngày bố mẹ bận rộn với trăm công ngàn việc, cậu con trai nhỏ chỉ còn biết quanh quẩn sáng chiều cùng ông bà ngoại. Gia đình Vũ. sở hữu dãy phòng trọ cho sinh viên xa nhà đến thuê nên cậu bé thường xuyên chạy khắp nơi để chơi với các anh các chị. Ngày đó, phong trào ca hát của sinh viên phát triển rất mạnh mẽ, đâu đâu cũng là tiếng đàn guitar vang lên cùng những bài hát của ban nhạc rock Việt huyền thoại một thời Bức Tường. Vũ. mê guitar từ đấy rồi bắt đầu “học mót” cách chơi đàn của các anh chị chơi chung. Mãi đến năm lớp 7, anh chàng mới xin bố mẹ đi học guitar nhưng được một tháng thì nghỉ vì… chán. “Học cổ điển mà ngồi đàn mà kiểu nghiêm túc khó chịu quá nên mình bỏ”, Vũ. kể. Sau khi bắt đầu được bố mẹ đồng ý cho phép tiếp xúc với internet thì Vũ .bắt đầu tìm hiểu âm nhạc nước ngoài nhiều hơn, thấy hay và thích nên cậu tự học chơi guitar lại từ đầu. “Chắc là duyên trời cho vì ngay từ lúc bé mình đã có khả năng cảm nhận được âm nhạc, nhịp phách. Chơi nhạc mà không sai nhịp bao giờ”, Vũ. nói.
Thời điểm đó, Justin Bieber đang nổi lên như một trong những tài năng trẻ đình đám của âm nhạc thế giới. Trong thế giới quan nhỏ bé của cậu bé Thái Vũ lúc bấy giờ, Justin Bieber gần như đã trở thành thần tượng. Bởi vì đâu phải ai cũng tự hát tự sáng tác, gia cảnh cũng không phải là khá giả gì mà cũng tự mình vươn lên để trở thành một hiện tượng. Người ta làm được thì mình cũng làm được, cậu bé Vũ của ngày xưa nghĩ như thế. Lúc đấy chưa biết gì nhiều nhưng Vũ. đã bắt đầu viết nhạc, rồi tập đàn miệt mài. Có một điều ngược đời như thế này, bố mẹ của Vũ. là người đã trao cho cậu con trai ước mơ âm nhạc qua cây đàn guitar, sau này họ cũng chính là người ra sức ngăn cản cậu chơi đàn. Ngay cả cánh cửa phòng ngủ cũng bị bố tháo ra để tiện bề giám sát xem cậu con trai có mê nhạc đến mức bỏ bê học hành hay không, nên lúc nào Vũ. cũng phải đợi bố mẹ đi ngủ hết mới dám lôi đàn ra chơi. Cái giọng hát thì thầm của Vũ. cũng từ ngày ấy mà có vì “ngày xưa trốn bố mẹ nên hát bé quen rồi”.
“Bây giờ có nhiều bạn vẫn cứ hỏi kiểu là anh ơi, em có đam mê nhưng mà em phải làm gì”. Nhiều người hay bảo “cái bọn trẻ đam mê nhiều nhưng không bao giờ thành công được” bởi vì ai cũng suốt ngày đi nói này nói kia, hỏi này hỏi nọ nhưng rồi… lại không làm gì. Đúc kết kinh nghiệm bản thân thì mình thấy thôi đừng hỏi, cứ tự mình làm thôi. Ngày xưa học cấp 3, mình cũng say sưa nói với bố mẹ là “con đam mê âm nhạc lắm” rồi thì cuối cùng vẫn vào quân đội”, Vũ. vừa cười vừa kể về thời tuổi trẻ ngây dại.
Sáu năm theo học trong trường quân đội là quãng thời gian mà Vũ. gần như đã sống tách biệt hoàn toàn với thế giới âm nhạc. Trong quân ngũ, ngoài thời gian hàng ngày phải đi làm đi học, chỉ duy nhất có cây đàn là còn mang lại niềm vui trong cuộc sống cho anh chàng. Vốn là người ít nói, cũng chẳng muốn chia sẻ nhiều với ba mẹ hay gia đình, Vũ. mang hết tâm tư tình cảm gửi gắm vào âm nhạc. Trong khoảng thời gian 6 năm ấy, Vũ. sáng tác được gần 20 bài. Bài đầu tiên là “Gửi Lời Yêu Em” được cậu viết cùng một người bạn trong trường, rồi sau đó “Phút Ban Đầu”, “Lạ Lùng”, “Đông Kiếm Em”… cứ thế lần lượt ra đời. Trong số đó, “Lạ Lùng” gần như là cánh cửa kì diệu để Vũ bước ra ánh sáng với công chúng khán giả ngoài kia. Dù cậu bảo, nổi tiếng mà mình… chẳng biết gì. Có người nhắn tin rồi xin phỏng vấn mà cậu cũng không xuất hiện được. Được đề cử giải thưởng này nọ cũng không ai cho đi nhận. “Lúc đấy mình đang là bộ đội mà, phải tuân thủ kỉ luật chứ. Mà kệ, mình cũng chẳng quan tâm”, Vũ nói.
Vũ. là một tuýp người như thế, luôn có cách nói chuyện về âm nhạc như một điều gì đó mình may mắn có được, rất “phớt đời” và rất “tỉnh”. Với chàng trai trẻ này, việc nhắc tới nghệ thuật một cách “âu yếm” là điều cậu không làm được. Ai đó thường hay bảo âm nhạc như là “đứa con tinh thần” nhưng với Vũ. thì âm nhạc chỉ đơn giản là một sản phẩm vì “xong thì xong luôn, mình không thể đoái hoài gì đến nó thì đừng gọi là đứa con”. Vũ. là thế, rạch ròi và sòng phẳng với chính con đường nghệ thuật của mình. Ngay cả những giải thưởng cũng không phải điều Vũ. lưu tâm bởi bản thân cậu luôn biết được điều gì là quan trọng nhất trong sự nghiệp âm nhạc. Với Vũ., được thừa nhận bởi những nhà chuyên môn bậc thầy mới là điều khiến cậu hạnh phúc nhất. Đơn giản thôi, vì Vũ. biết lúc đấy âm nhạc của mình thật sự được người khác trân trọng. Như có lần, nhận được một lời nhận xét của nhạc sĩ Quốc Trung rằng “cậu này dám thay đổi, bỏ ý tưởng làm nhạc Pop Ballad để đi sang một dòng nhạc khác” cứ làm Vũ. nhớ mãi. Chưa bàn đến việc nhạc của mình được đánh giá hay hay dở, nhưng chỉ cần một sự công nhận về sự dám làm dám thay đổi như thế thôi cũng đủ làm cậu thấy vui.
Âm nhạc là thứ trời cho, nhưng lại là trò chơi dành cho những kẻ muốn chơi với nhạc
Có thể nói, “Hành Tinh Song Song” là một ca khúc mang tính bước ngoặt trên hành trình âm nhạc giúp Vũ. bước ra khỏi cái bóng của chính mình. Bài hát là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như ca từ giản dị nhưng đầy da diết, là những tìm tòi với chất liệu điện tử pha rock và đâu đó là sự lãng đãng miên man chẳng thể chạm tới. Lần đầu tiên khi “Hành Tinh Song Song” chính thức ra mắt, đến cả những fan hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Vũ. cũng khó tránh khỏi ngạc nhiên mà tự hỏi nhau rằng “Vũ đâu? “Lạ Lùng” đi đâu mất rồi?”. Vũ. biết điều đấy chứ, nhưng cậu có cái lý của cậu. “Giới trẻ bây giờ họ buồn nhiều quá, sao họ không vui lên nhỉ. Mình ghét, bởi vì họ buồn nhiều quá, ai cũng phát hành mấy bản ballad buồn buồn nên mình quyết tâm phải làm một bài buồn mà nghe nó lại phải vui. Mình không muốn các bạn trẻ bị rơi vào cảm giác chán nản mọi thứ nữa, mệt lắm. Âm nhạc của Vũ phải vui trong một guồng quay các bài nhạc buồn lúc bấy giờ”, anh chàng chia sẻ.
Ở “Hành Tinh Song Song” ẩn chứa nhiều những tâm tư của Vũ. trong việc làm nhạc tại thị trường Việt Nam. Vui hẳn kiểu EDM thì rõ là chẳng phải Vũ, thế nên Vũ nghĩ “thôi thì mình làm chất liệu khác, có thể là không phải chỉ đơn giản là guitar mộc nữa mà có full band vào chẳng hạn”. Thế là cậu bắt tay vào làm bởi ngay cả chính Vũ. cũng không muốn mình cứ mãi loay hoay ở những bài hát đã được “chỉ mặt đặt tên”. Đã qua rồi cái trào lưu một thời ai cũng đàn guitar, cũng sáng tác rồi đăng tải vu vơ trên mạng xã hội Soundcloud. Sau tất cả, ai cũng ở nguyên một vị trí đó. Vũ. hiểu, bởi chính cậu cũng đã từ Soundcloud bước ra để chơi với cuộc chơi âm nhạc đích thực này nên cậu đặt ra cho mình một mục tiêu rõ ràng. Đó là phải nâng tiêu chuẩn âm nhạc của chính mình lên một tầm cao mới.
“Michael Jackson không bao giờ là “King of Pop” nếu như chỉ chơi được mỗi đàn guitar rồi hát suốt cả cuộc đời. Ví dụ là một nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc Pop thì bạn đi cùng Pop cả đời cũng được nhưng chất liệu âm nhạc thì phải khác. Mình phải tự nâng tầm bản thân mình lên. Đó là điều mình đang muốn hướng tới, muốn làm cùng “Hành Tinh Song Song”, là mục tiêu chính lâu dài ngoài việc đem tới màu sắc âm nhạc mới mẻ cho khán giả. Đã là nghệ sĩ thì thường không ai muốn tự đóng khung mình lại. Lấy ví dụ rõ nhất mà mọi người có thể thấy ở đây là Coldplay. Từ “Parachute” mang màu acoustic rõ nét, tới khi khán giả đã quá quen với “Fix You” hay tiếng đàn guitar của Chris Martin thì họ rẽ ngoặt một bước hoàn toàn khác khi kết hợp cùng nhạc điện tử. Rõ ràng, mọi người thấy ngay cả những nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới khi đã đến một cái ngưỡng nào đó họ cũng phải suy nghĩ mà nâng tầm âm nhạc của mình lên. Không phải thay đổi theo kiểu từ hát Pop sang hát Rap mà là phát triển thêm chất liệu âm nhạc để công chúng nhìn thấy nghệ sĩ luôn sáng tạo, không phải những người thụ động mãi mãi sống trong cái bóng của mình”, Vũ. khẳng định.
Thời điểm sáng tác “Hành Tinh Song Song” cũng chính là khoảnh khắc mà Vũ. nhớ tới tận bây giờ. Vũ. bảo đấy là duyên trời cho bởi “tự nhiên viết được đấy chứ có phải là mình muốn là mình viết được đâu, ví dụ như mình uống nước lọc mà viết hay như thế thì mình uống nước lọc cả ngày”. Lúc đấy tâm trí của Vũ. còn đang loay hoay đầy hỗn mang giữa những ý niệm âm nhạc tương tự như “Lạ Lùng” hay “Mùa Mưa Ngâu Nằm Cạnh” mà không sao thoát ra được. Cảm hứng lúc đấy đúng là như nắng hạn chờ mưa. Thế mà chỉ trong vòng 5 phút, ý tưởng cho đoạn điệp khúc của “Hành Tinh Song Song” ập đến tạo thành cái gốc rễ cho cả một bài hát được phát triển hoàn chỉnh sau này.
“Ngày xưa mình được nghe một câu rất hay của bác Trần Tiến là “Khi nào viết nhạc được bằng lí trí thì lúc đó mới thành công”. Tất cả mọi người bây giờ phần đông đều viết nhạc từ con tim hết, khi nào có đủ cảm xúc mới viết được chứ không phải là bạn ngồi đó, tập trung suy nghĩ một lúc rồi viết được ngay một bài hay ơi là hay. Ai cũng bảo lí trí quá thì lại sợ thành “công nghiệp hóa” nhưng vậy nó mới là đỉnh cao của viết nhạc. Tất cả các nghệ sĩ lớn họ viết ra những album thành công vang dội như thế là họ đều viết bằng lí trí hết”, Vũ cho biết.
– “Thế bây giờ Vũ. viết nhạc bằng lí trí hay con tim”, tôi hỏi.
– “Vẫn con tim hết, mình sống chưa đủ lâu”, Vũ. cười.
Trò chuyện cùng Vũ., đôi khi tôi có cảm giác như mình đang đối thoại với một… doanh nhân. Với nhiều nghệ sĩ trẻ khác, có thể họ còn mải bay bổng theo những hoài bão âm nhạc mà thường bỏ quên những bước chiến lược phát triển cho đội ngũ phía sau mình thực hiện. Vũ thì khác, mọi đường đi nước bước cho từng kế hoạch để tiếp cận với công chúng như một bức tranh toàn cảnh được cậu vẽ ra, rõ nét và tỉ mỉ trong đầu. Từ việc hướng mình tới những sáng tạo nghệ thuật đến việc ấp ủ cho mình những dự án liveshow tổ chức ở trên sông, trên hồ hoặc cả trên tàu. Theo dõi con đường của Vũ., thấy cậu đi từ acoustic lên những chất liệu âm nhạc mới, từ hình ảnh một mình một guitar tới lúc hát với nguyên band nhạc, từ những sân khấu trình diễn nhỏ lẻ đơn giản tới những sân khấu trình diễn với đầy đủ sự chuẩn bị về ánh sáng và hiệu ứng. Trên hành trình đó, xuất hiện bên cạnh còn có những người bạn của Vũ., ban nhạc Skyline Beyond Our Reach.
“Nếu mọi người theo dõi show diễn của những nghệ sĩ nổi tiếng sẽ thấy họ thường xuyên đi chung với ban nhạc của mình. Dua Lipa chẳng hạn. Black Pink cũng thế, họ đi diễn ở Coachella không bao giờ mở nhạc playback. Âm nhạc thế giới đang hướng tới diễn live, mà đã diễn live thì mọi thứ phải live hết, đừng bật beat. Tầm quan trọng của ban nhạc diễn live là sẽ thể hiện được sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ, rằng khán giả cũng hiểu rằng nghệ sĩ không lười vì họ cũng mất thời gian tập band, phối mới bài vở để mà trình diễn. Vũ và Skyline Beyond Our Reach chắc chắc sẽ đi với nhau một con đường dài và bản thân mình cũng rất muốn kích cầu thị trường để mọi thứ ngày càng tốt hơn. Nếu không, nhìn đi nhìn lại chúng ta sẽ chỉ thấy các bạn trẻ làm show với nhạc cụ acoustic kiểu một guitar, một trống cajon, một violin nữa là hết thì sao mà khác đi được?”, Vũ. quả quyết.
Sự thắng thắn trong những chia sẻ của Vũ. cho thấy cậu tràn đầy niềm tin vào những gì mình đã, đang và sẽ làm. Bảy năm từ ngày đầu tiên viết nhạc, Vũ. có mình một số lượng người hâm mộ đông đảo, những liveshow luôn “cháy” vé và cột mốc đáng nhớ để đánh dấu con số “7” đẹp đẽ đó – album “Vũ Trụ Song Song”. Khoảng thời gian làm album Vũ. cũng gặp nhiều trục trặc, mọi việc diễn ra không thuận lợi như dự tính. Một số bài hát dù đã hoàn thành như cuối cùng vẫn phải bỏ đi làm lại đã khiến thời gian ra mắt album trễ hẳn một năm. Chưa kể trong khoảng thời gian đó, để có tiền làm abum, anh chàng phải chịu bán đi mấy cây đàn guitar mà mình yêu thích nhất. Vũ. tự nhận mình là người “nghiện” đàn nhưng vì đầu tư cho album nên không sao, sau này kiếm được tiền rồi thì lại mua đàn phục vụ âm nhạc. Rõ ràng, nghệ thuật với Vũ. bây giờ là công việc và là cuộc sống, mọi thứ khi làm đều phải tính toán và suy nghĩ rất nhiều chứ qua rồi cái thời của chàng sĩ quan tên Thái Vũ đi hát ở những quán café hay những sân khấu nhỏ. “Ngày xưa tiền làm ra là để mua đàn hết nhưng bây giờ làm gì cũng phải suy nghĩ chứ mua đàn hết tiền rồi mai lấy gì mà ăn? Không được, không thể sống kiểu hồi xưa đấy được. Trước là cố gắng mua hết cái này cái kia xong ăn mì gói nhưng giờ thì sức khỏe là quan trọng nhất. Mình thấy các bạn trẻ bây giờ cái gì cũng “chẳng sao”, kiểu mua cái đàn vì đam mê xong rồi mai ăn gì cũng kệ. Thế thì chết!”, Vũ. nói.
“Vũ Trụ Song Song” ra mắt như là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Vũ., chính thức khép lại một chương cũ để mở ra một cuộc hành trình mới. Ở đó, Vũ. trưởng thành hơn từ một cậu bé cho tới chàng thanh niên rồi hướng tới hình ảnh người đàn ông thực thụ. Lựa chọn “Hành tinh song song Pt.2” là ca khúc để khép lại “Vũ trụ song song”, Vũ. nói rằng đây cũng là bài hát thấy ưng ý nhất trong album vì “lần đầu tiên làm nhạc giống John Mayer” (cười). Dù album này chưa lan tỏa hiệu ứng nhiều tới công chúng vì một số người hâm mộ nhận định rằng nó khá “khó nghe” so với chất nhạc trước đây của Vũ. thì anh chàng cũng không mảy may than phiền. Đơn giản thôi, “Vũ Trụ Song Song” được làm ra trước tiên là để dành tặng cho những khán giả muốn đến với màu sắc âm nhạc mới của Vũ., sau nữa là để thỏa mãn cái tôi âm nhạc của chàng nghệ sĩ trẻ tài năng. Vũ. muốn âm nhạc của mình không chỉ tồn tại ở trong thị trường Việt Nam, cậu muốn đi xa hơn, bay cao hơn để đưa âm nhạc Việt đến với thế giới.
“Riêng mình nghĩ rằng không thể nào đem Pop Ballad ra ngoài thị trường thế giới được, đó là điều thứ nhất. Hoặc nếu có thì mình cũng chưa tìm ra được thị trường đó. Thứ hai là nếu bạn không thay đổi chất liệu âm nhạc thì cũng đừng mơ! Ví dụ như Black Pink diễn ở lễ hội âm nhạc Coachella. Mình không thần tượng Black Pink nhưng mình thần tượng cách mà họ tiếp cận và khiến khán giả Mỹ trở nên “điên cuồng” vì họ. Chất liệu âm nhạc của họ tốt, kế hoạch truyền thông tốt, trình diễn sân khấu tuyệt vời và ban nhạc chơi quá hay. Vậy nên mình phải nhìn xa hơn, nghĩ xa hơn để có thể làm được những gì mình ấp ủ”, Vũ khẳng định.
Mạo hiểm để thay đổi, dù đó là những bài hát được hòa âm phối khí theo kiểu không giống ai nhưng đổi lại nó đem tới cho Vũ cảm giác được “chơi nhạc”. Chia sẻ về những luồng ý kiến trái ngược nhau về “Vũ Trụ Song Song”, Vũ. hài hước nói rằng: “Âm nhạc không có lỗi, lỗi ở người nghe, ai thích được thì thích còn không thích được thì thôi”. Mỗi người có một sở thích, cách thưởng thức riêng, không ai giống ai nên nếu ai thích Vũ. bên cây đàn guitar thì thì cứ việc nghe những ca khúc trước đây còn ai “chán” rồi thì đến với Vũ. hiện tại.
Giờ đây, giấc mơ của Vũ. đã bước thêm tới một nấc thang mới. Khi cùng lúc với sản phẩm mới nhất mang tên “Mùa Hè Của Em” được ra mắt thì cậu cũng chính thức trở thành nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam được hợp tác với Warner Music Group, một trong ba hãng đĩa lớn nhất thế giới với mục tiêu phát hành các sản phẩm chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Với chàng nghệ sĩ trẻ, đây mới chỉ là bước khởi đầu cho rất nhiều điều thú vị đang tới. Đặc biệt, “Mùa Hè Của Em” cũng là sản phẩm cá nhân đầu tiên của Vũ do đạo diễn Đồng Nart, người bạn thân của anh chàng thực hiện. “Anh Đồng quay cho bao nhiêu nghệ sĩ nổi tiếng rồi, MV chục tỉ view cũng có mà mình chơi với ông ấy bao năm chưa được quay cái MV nào. MV cho Đen cũng quay rồi, mình chờ mãi giờ mới đến lượt. Được cái quay rất đẹp nên giờ còn đang sướng lắm”, Vũ hào hứng nói về sản phẩm MV của mình.
– “Bây giờ ngoài âm nhạc ra thì cuộc sống của Vũ có gì vui không?”, tôi hỏi.
– “Sắp lấy vợ, cũng không muốn rong chơi nữa”, Vũ khoe.
– “Mới 24 tuổi mà lấy vợ là cũng ổn định hơi sớm đấy”.
– “Ai chẳng bảo thế mà mình thích thì mình làm thôi. Vì sao người ta hay nói con trai cưới vợ ở tuổi 24 là sớm? Bởi vì chủ yếu 24 tuổi chưa tìm được đam mê của bản thân nhưng mình thì xong rồi. Giờ có đam mê gì khác đâu, không lẽ giờ đi vẽ tranh à? Đấy, mình cũng có quá trình đấu tranh với đam mê nhưng mình hơn người khác ở chỗ là mình xong rồi, thế thôi”.
Vũ. vẫn thế, kể cả là trong chuyện hôn nhân gia đình thì anh chàng cũng rất “tỉnh” và tự tin. Thậm chí còn tính toán cả tới chuyện đi học xa sau khi kết hôn. Duy chỉ có một chuyện anh chàng đắn đo là “yêu xa mệt lắm rồi nên kiếm chỗ nào học gần mỗi tuần bay đi bay về thôi”. Chuyện học là chuyện trước sau gì Vũ. cũng sẽ thực hiện, dù có phải dừng lại sự nghiệp ca hát ít nhất vài năm. Vũ. của bây giờ, chẳng nói nhiều về hai chữ “đam mê” mà chỉ yên lặng làm. Ngay cả việc định danh một tên gọi cho “ước mơ” của bản thân thôi cũng khó vì với Vũ. “đây là con đường phải đi, phải đến và phải trải qua”. Âm nhạc vốn là duyên trời cho nhưng duyên dài hay ngắn hẳn sẽ nằm ở bản lĩnh của người chơi nhạc, đúng không Vũ.?